Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được kèm theo Tờ trình của Chính phủ vừa mới gửi Quốc hội đã dành 1 điều quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là điều mà đồng bào dân tộc thiểu số chờ đợi, kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, giúp nâng cao đời sống của người dân.
Theo đó, có ý kiến góp ý vào Dự thảo cho rằng chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số cần phải cụ thể hơn, nếu chỉ là có chính sách chung chung thì khó thực hiện, khi địa phương ban hành chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số cũng phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, phải trình Hội đồng nhân dân thông qua chính sách này mà không phải là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Tiếp thu ý kiến góp ý, Điều 17 dự thảo Luật quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số được chỉnh lý theo hướng: Thủ tướng Chính phủ ban hành khung Chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Cụ thể, tại điều 17 về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số quy định có chính sách bảo đảm đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.
Đồng thời, có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sinh kế thông qua các hình thức: Giao đất lần đầu không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức đối với những đồng bào dân tộc thiểu số chưa được giao đất để sản xuất, kinh doanh; Cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm và thực hiện chính sách miễn tiền thuê đất đối với những trường hợp đã được Nhà nước giao đất sản xuất nhưng thiếu đất sản xuất so với hạn mức.
Thủ tướng Chính phủ ban hành khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Căn cứ khung chính sách, UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Thực tế, việc quy định UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương là điều rất cần thiết, sát với cuộc sống của đồng bào DTTS.
Bởi, chỉ khi các chính sách được ban hành phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp với nhu cầu của đồng bào, thì chính sách ấy mới thực sự đi vào cuộc sống. Với những quy định cụ thể trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này sẽ giải quyết được bài toán thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS khi Luật có hiệu lực.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng đã hoàn thiện nội dung về đất nông lâm trường theo hướng quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, trách nhiệm của các công ty nông, lâm nghiệp trong việc quản lý đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.
Cụ thể: quy định trách nhiệm của các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông trường, lâm trường trong việc rà soát hiện trạng sử dụng đất, lập phương án sử dụng đất đối với phần diện tích giữ lại quản lý, sử dụng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; bàn giao phần diện tích không sử dụng về cho địa phương;
Quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích các công ty nông, lâm nghiệp được tiếp tục sử dụng; tổ chức tiếp nhận hoặc thu hồi phần diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương.
Đối với diện tích đất thực hiện thu hồi thì tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng bảo đảm hiệu quả, giải quyết tốt các vấn đề chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, người đang sử dụng đất do được nông, lâm trường giao, nhận khoán, thuê đất; đất sử dụng vào mục đích công cộng phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Có ý kiến đề nghị phân nhóm đối tượng ưu tiên trong việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận đối với đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường, trong đó cần phải ưu tiên cho người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại địa phương và chưa được cấp đất để sản xuất.
Dự thảo Luật đã tiếp thu quy định ưu tiên: giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; giao đất, cho thuê đất đối với cá nhân ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất; người đang sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp có nguồn gốc là đất nhận khoán, thuê đất của nông, lâm trường; người đang sử dụng đất mà có giấy tờ của nông trường, lâm trường quốc doanh về việc giao để làm nhà ở hoặc làm nhà ở kết hợp với sản xuất nông, lâm nghiệp trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật này; giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích công cộng và các mục đích khác theo quy định của pháp luật.