Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên đã tích cực triển khai, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng đất rừng và giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số khó khăn vướng mắc.
Hơn 350 ngàn ha được cấp Giấy chứng nhận
Theo UBND tỉnh Điện Biên, tỉnh đã thực hiện giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất lâm nghiệp có rừng là 352.127,98 ha; đất lâm nghiệp chưa có rừng đã thực hiện giao 26.459,37 ha cho 1.135 cộng đồng dân cư, 3.111 hộ gia đình cá nhân và 06 tổ chức.
Việc công nhận quyền hợp pháp và lâu dài đối với việc quản lý, sử dụng đất rừng thông qua chính sách giao đất, giao rừng đã tạo tâm lý ổn định cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình, tạo động lực cho các cộng đồng dân cư và hộ gia đình huy động nguồn lực vào bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích quản lý.
Sau khi được giao đất rừng, cộng đồng dân cư và hộ gia đình đã được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo quy định của mỗi địa phương, một số cộng đồng đã nâng cao thu nhập qua chính sách chi trả DVMTR, góp phần xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn. Chính sách giao đất, giao rừng góp phần nâng cao độ che phủ của rừng và hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép.
Công tác tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách đến người dân có nhiều ưu điểm, được người dân đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân quản lý, bảo vệ rừng. Chủ trương, chính sách giao đất, giao rừng đã gắn quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng dân cư hộ gia đình cá nhân với đất rừng, tạo điều kiện để các thành viên của chủ rừng bảo vệ được rừng, yên tâm quản lý, đầu tư phát triển rừng trên diện tích rừng được giao quản lý. Các hộ gia đình và cộng đồng dân cư được giao đất rừng có thể hưởng lợi từ rừng như: Hưởng chính sách dịch vụ môi trường rừng, khai thác tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ, giữ được nguồn nước sạch, chống xói mòn, góp phần rất lớn đến cải thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Rừng còn bị phá
Bên cạnh những kết quả đạt được trong trong việc quản lý sử dụng đất rừng giao cho cộng đồng dân cư hộ gia đình cá nhân vẫn còn các khó khăn vướng mắc như: Đất lâm nghiệp có rừng giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình cá nhân phải cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có rừng là một trong những quy định về giao rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình cá nhân quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Tuy nhiên có những cộng đồng dân cư, hộ gia đình cá nhân bảo vệ diện tích rừng từ lâu đời nhưng quá trình chia tách địa giới hành chính thì diện tích rừng của họ lại thuộc về xã khác, nên về nguyên tắc không thể giao cho họ quản lý mặc dù họ đã bảo vệ rừng và sử dụng đất từ lâu đời.
Bên cạnh đó, có sự bất cập giữa Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai nên phát sinh xung đột về quyền sử dụng rừng đối với đất lâm nghiệp chưa có rừng (đất trống đồi núi trọc) khi giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất này sau vài năm khoanh nuôi, bảo vệ, hình thành rừng thì xử lý về quyền sử dụng đất và quyền sử dụng rừng có mâu thuẫn.
Một số nơi đất nông nghiệp xen kẽ với đất lâm nghiệp rất khó khăn trong công tác quản lý về phòng cháy, chữa cháy. Một số cộng đồng dân cư và hộ gia đình cá nhân chưa thống nhất được ranh giới thửa đất, để xảy ra tranh chấp. Người dân trên địa bàn canh tác chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy nên còn gặp nhiều khó khăn khi tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của người dân khi được nhà nước giao đất, giao rừng đối với những diện tích đất nương luân canh bỏ hoang nay đã phát triển thành rừng; trong quá trình rà soát để giao rừng thì một số chủ rừng đề nghị giao để tiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, một số hộ lại đề nghị để lại để sản xuất nông nghiệp luân canh.
Công tác quản lý bảo vệ rừng của một số cộng đồng dân cư và hộ gia đình chưa thực sự vào cuộc, chưa nghĩ đến việc sống bằng nghề rừng; công tác quản lý bảo vệ rừng của một số chủ rừng còn mang tính hình thức, nên vẫn còn tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép, cháy rừng nhỏ lẻ ở một số thôn, bản.
Do tập tục canh tác, truyền thống nương luân canh của các hộ gia đình cá nhân ảnh hưởng tới diện tích rừng đã giao vẫn bị chặt phá do nhu cầu sử dụng đất để làm nương, tình trạng tranh chấp đất đai vẫn còn xảy ra.
Đề xuất hoàn thiện chính sách
Để hoàn thiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, UBND tỉnh Điện Biên đề xuất trong tại khoản 2, điều 17, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số cần sửa như sau “2. Có chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sinh kế” để nội dung được đầy đủ, chính xác.
Về quy định Thủ tướng Chính phủ ban hành Chính sách khung về hỗ trợ đất đai và giao cho UBND cấp tỉnh theo điều kiện thực tế của địa phương, quy định cụ thể chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS đã đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn.
Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là cộng đồng dân cư người DTTS (Điều 42) nên mở rộng quy định cho phép Cộng đồng dân cư sử dụng đất được góp vốn bằng quyền sử dụng đất để phát triển kinh tế, tăng thu nhập (kèm theo có quy định ràng buộc chặt chẽ) để phù hợp với quyền của người sử dụng đất. Bởi, hiện nay chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nên hiệu quả sử dụng đất không cao, dẫn đến không khuyến khích được sự tham gia tích cực của người dân, đặc biệt là tại một số tỉnh miền núi phía Bắc; vì vậy, trong thời gian tới cần phải nghiên cứu, đánh giá để đưa ra chính sách hợp lý, khả thi cho nhóm đối tượng này.
Về việc giao rừng cho đồng bao dân tộc thiểu số gắn với tạo sinh kế tăng thu nhập cho đồng bào DTTS (Điều 178, 189, 180): Đối với quy định cho người dân kết hợp trồng cây lâu năm, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao có lợi thế của địa phương, là phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, để tránh tình trạng lợi dụng phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, đề nghị bổ sung những quy định sau: Chỉ được trồng cây lâu năm, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao có lợi thế của địa phương ở những diện tích rừng nghèo với diện tích nhất định tính theo từng hộ gia đình và phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; quy định cụ thể về chế tài xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng trồng cây lâu năm, cây ăn quả để phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật; ngoài ra, đề nghị cân nhắc xem xét lại những nội dung các Điều này để thống nhất với quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017).
Về việc quản lý, sử dụng đất rừng, đất có nguồn gốc nông lâm trường: Đối với nội dung quy định như dự thảo Luật (Điều 175) đã đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ về pháp lý để thực hiện được việc quản lý, sử dụng đất rừng, đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Cần quy định rõ các tiêu chí về đất giao và đối tượng ưu tiên trong nhận đất đảm bảo đồng bào DTTS được tiếp cận đất công bằng…