Bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều trước mùa mưa bão 2020

Khánh Ly| 26/06/2020 20:49

(TN&MT) - Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, năm 2019 và đầu năm 2020, tình trạng thiếu nước gây hạn hán nặng nề đã xảy ra tại nhiều khu vực trên cả nước. Theo chu kỳ 2 năm sau hạn hán gay gắt trên diện rộng, mưa, lũ, bão sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, các địa phương cần sẵn sàng phương án ứng phó với thiên tai cực đoan, bất thường trong thời gian tới.

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2020, do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng ngày 26/6.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại Hội nghị

Nguy cơ cao mất an toàn đê điều

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, cả nước hiện có khoảng 9.000 km đê điều với hơn 2.700 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt do Trung ương quản lý. Trong đó, 230 trọng điểm đê điều xung yếu, cần đặc biệt chú ý trong mùa lũ, bão.

Thứ trưởng nhận định, 2 nguy cơ lớn hiện nay đối với hệ thống đê điều nước ta là các vi phạm pháp luật về đê điều ngày càng tăng và hệ thống đê đã lâu chưa được thử thách qua lũ lớn. Tính đến nay, vẫn còn hơn 7.400 vụ vi phạm chưa bị xử lý. Số vụ vi phạm tăng lên qua từng năm và tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, với 21 tỉnh/thành phố có đê, đã lâu rồi chưa chứng kiến một thiên tai lớn ảnh hưởng trực tiếp đến đê nên một số địa phương còn chủ quan. “Miền Nam Trung Quốc đang xảy ra lũ lớn, mà theo quy luật, sau khoảng 1 – 2 tháng nữa, nhiều khả năng nước ta sẽ có mưa rất to. Tại thời điểm này, các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang cũng đang có những đám mây cực lớn, không loại trừ khả năng sẽ có mưa lớn trong nay mai”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương chia sẻ nhận định xu thế mùa bão, lũ năm 2020

Theo ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, năm 2019 và đầu năm 2020, tình trạng thiếu nước gây hạn hán nặng nề tại khu vực Tây Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2019, các hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ như Hòa Bình, Sơn La thiết hụt nghiêm trọng nguồn nước, mực nước tại hồ Sơn La xuống thấp nhất kể từ khi xây dựng (năm 2005). Theo chu kỳ 2 năm sau hạn hán gay gắt trên diện rộng, sẽ có mưa, lũ, bão diễn biến phức tạp, khó lường và đe dọa mất an toàn hệ thống đê điều trong thời gian tới.

Do ảnh hưởng của BĐKH, hiện tượng mưa cực đoan chỉ tập trung trong thời gian ngắn và phạm vi hẹp có thể xảy ra, tạo nên những trận lũ lớn trên các hệ thống sông nên các địa phương cần hết sức lưu ý. Bên cạnh đó, trong thời gian hạn mặn vừa qua, khu vực đồng bằng sông Cửu Long triển khai nhiều đập tạm làm thu hẹp dòng sông, kênh rạch, tạo ra dòng chảy mạnh có thể gây vỡ đê.

Thách thức của hệ thống đê

Đánh giá hiện trạng công trình đê điều các địa phương, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, trên hệ thống đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn 399km đê thiếu cao trình (chủ yếu ở hạ lưu hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã); 683km đê mặt cắt còn nhỏ; 160km đê thường xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ; 459 cống cũ, hư hỏng; 158km kè hư hỏng, xung yếu.

Các địa phương cần đề phòng nguy cơ xảy ra mưa lũ lớn 

Nếu các trận mưa cực đoan xảy ra ở phía thượng lưu của lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình, khi các hồ chứa có nhiệm vụ cắt lũ ở thượng nguồn đã sử dụng hết dung tích phòng lũ cho hạ du, khả năng cao sẽ xảy ra lũ lớn, vượt tần suất thiết kế trên hệ thống sông và uy hiếp an toàn đê điều.

Trong công tác hộ đê, qua theo dõi những năm gần đây, việc tổ chức và thực hiện công tác tuần tra canh gác đê theo cấp báo động đang bị lơ là, xem nhẹ và thực hiện không đầy đủ theo Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 của Bộ NN&PTNT. Từ đó, dẫn đến chậm trễ trong phát hiện và xử lý kịp thời sự cố đê điều ngay từ giờ đầu, trong khi đây là yếu tố mang tính quyết định.

Đại diện các địa phương chia sẻ bài học kinh nghiệm trong đảm bảo an toàn hệ thống đê điều 

Bên cạnh đó, phương án bảo vệ trọng điểm, phương án hộ đê chưa sát thực tế, lực lượng tham gia hộ đê lúng túng và nhiều địa phương không bố trí đủ cán bộ làm công tác chuyên trách. Nhiều nơi, chính quyền địa phương và người dân còn nhận thức không đầy đủ, cho rằng khi xây dựng các hồ chứa thủy điện lớn trên các hệ thống sông để phục vụ điều tiết lũ và phát điện thì dưới vùng hạ du không còn lũ, dẫn đến tình trạng chủ quan và xem nhẹ vai trò của hệ thống đê điều…

Địa phương giữ vai trò chủ động

Hội nghị năm 2020 tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác phòng chống thiên tai. Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, để siết chặt quản lý vi phạm đê điều, cần thiết phải có văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh quy định cụ thể và làm rõ trách nhiệm của Sở NN&PTNT, Chi cục QLĐĐ&PCLB, Hạt Quản lý đê các huyện, thành phố, thị xã và UBND cấp xã, huyện trong việc phối hợp tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý vi phạm đê điều. Hạt Quản lý đê phát hiện và ngăn chặn sớm hành vi vi phạm, đồng thời, chính quyền cấp xã cũng phải quyết liệt xử lý sớm, tránh tình trạng để vi phạm phát triển lớn (cố tình để vượt quá thẩm quyền) rồi đùn đẩy trách nhiệm lên UBND cấp huyện, tỉnh. Thực tế tại Hải Dương, địa phương nào có lãnh đạo UBND xã, huyện quan tâm xem xét hoặc cử lực lượng phối hợp xử lý kịp thời vi phạm thì đê điều nơi đó ít vi phạm và ngược lại. Những vi phạm nghiêm trọng cần được thụ lý hồ sơ đưa ra truy tố trước pháp luật để làm gương.

Quang cảnh hội nghị

Chia sẻ kinh nghiệm trong phát huy “4 tại chỗ” trong chống tràn đê, đại diện UBND huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức PCTT cho các cấp chính quyền và người dân. Trong công tác hộ đê, chống lụt bão phải hết sức coi trọng tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê, lực lượng xung kích hộ đê. Chú trọng việc chuẩn bị vật tư dự trữ của dân và khâu tổ chức lực lượng tại chỗ để khi sự cố xảy ra là huy động được ngay để xử lý kịp thời. Công tác chỉ huy điều hành xử lý phải quyết liệt, khẩn trương; phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ lãnh đạo từ tỉnh, huyện đến cơ sở.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, thời gian tới, Chủ tịch UBND cấp huyện cần tập trung chỉ đạo kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN cấp huyện; phân công, phân nhiệm cho các thành viên, tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của người dân, kiểm tra, giám sát, kiểm soát an toàn các công trình phòng, chống thiên tai và cơ sở hạ tầng đảm bảo an toàn trước thiên tai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019. Bên cạnh đó, xây dựng các kịch bản, phương án, tổ chức huy động lực lượng kịp thời ứng phó, nhanh chóng khắc phục hậu quả đảm bảo sớm ổn định đời sống sản xuất và tái thiết sau thiên tai…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều trước mùa mưa bão 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO