Báo chí cần thay đổi tư duy và cách làm để làm chủ nền tảng số

Khương Trung - Việt Hùng| 19/03/2023 18:17

(TN&MT) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng các cơ quan báo chí không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số trên thế giới hiện nay, do đó phải thay đổi tư duy và cách làm, trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại để làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội.

Chiều 19/3, tới dự và phát biểu tại Hội báo toàn quốc năm 2023, một trong những sự kiện báo chí được những người làm báo và công chúng báo chí khắp cả nước đón đợi nhất trong năm. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà gửi chúc tới các nhà báo lão thành và những người làm báo trên cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Đồng thời, chúc mừng Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức một kỳ Hội Báo toàn quốc thành công tại thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, trung tâm văn hóa lớn của đất nước.

be-mac-hoi-bao-toan-quoc-2023-152604916.jpg
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tại buổi lễ bế mạc.

Ngày hội giới thiệu thành quả lao động sáng tạo người làm báo

Phát biểu tại Hội báo toàn quốc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã luôn đồng hành và đóng góp quan trọng trong những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta trong bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

small_pttg-ha.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng báo chí cần thay đổi tư duy và cách làm để làm chủ nền tảng số

Báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội; đưa đến độc giả những tin tức mang hơi thở, nhịp đập của cuộc sống; khơi nguồn cảm hứng đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; tuyên truyền, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phê phán, đấu tranh với cái xấu, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực. Báo chí cũng đóng vai trò tiên phong trong bồi đắp, làm giàu nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, báo chí kịp thời phản ánh các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống dịch; thể hiện sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục, nhất quán và hiệu quả về công tác này. Sự đồng hành, sát cánh của báo chí đã cổ vũ, giúp người dân yên tâm, tin tưởng và vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần quan trọng trong thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. “Đây là minh chứng rõ nét của sự dấn thân, ý chí, bản lĩnh, sự tìm tòi, sắc sảo, sáng tạo của những người làm báo trong điều kiện tác nghiệp khó khăn, thậm chí nguy hiểm.” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, Qua ba ngày với nhiều hoạt động sôi nổi, đầy ắp các sự kiện, Hội báo năm 2023 đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng của các nhà báo và công chúng báo chí cả nước.

Thông điệp “Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo” được thể hiện rõ nét qua hầu hết các sự kiện thiết thực, hấp dẫn, vừa góp phần củng cố tinh thần đoàn kết giữa các cơ quan báo chí, các hội nhà báo địa phương, vừa tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa báo chí với công chúng.

Đặc biệt, điểm nhấn đặc sắc về các hoạt động trao đổi nghiệp vụ trong khuôn khổ Hội báo đã bám sát những vấn đề thời sự cho thấy báo chí cách mạng Việt Nam đang theo sát xu thế chuyển đổi số, ứng dụng dụng trí tuệ nhân tạo trên thế giới.

small_pttg-ha-2.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: "Đây thực sự là ngày hội lớn, giới thiệu thành quả lao động sáng tạo của nhiều thế hệ người làm báo, phản ánh nhiều góc cạnh ấn tượng của cuộc sống.”

“Đây thực sự là ngày hội lớn, giới thiệu thành quả lao động sáng tạo của nhiều thế hệ người làm báo, phản ánh nhiều góc cạnh ấn tượng của cuộc sống.” – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

Chuyển đổi số báo chí thực sự “thấm” tới từng cơ quan báo chí, người làm báo

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, chỉ còn hơn 2 năm nữa, nền báo chí cách mạng Việt Nam sẽ chạm dấu mốc 100 năm (21/6/1925 - 21/6/2025). Trong bối toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ; sự chuyển động nhanh của thế giới; thực tiễn đổi mới, phát triển năng động của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.

Để làm được điều đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, mỗi sản phẩm báo chí phải thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, có sức lan tỏa lớn, tạo đồng thuận trong toàn xã hội, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, quảng bá các giá trị tốt đẹp của văn hóa, đất nước, con người Việt Nam góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Đội ngũ những người làm báo phải vững vàng về bản lĩnh chính trị, tư tưởng; ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế. Hệ thống báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò là công cụ truyền thông sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội hiệu quả.

“Các cơ quan báo chí, những người làm báo phải quán triệt tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí; kiến tạo không gian, môi trường văn hóa trong hoạt động báo chí.” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội đã tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các cơ quan báo chí. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, thậm chí chỉ một người dùng mạng xã hội, một trang thông tin cá nhân cũng có thể nhanh chóng đăng tải tin tức, sự việc thu hút sự quan tâm của dư luận. Vì vậy, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan báo chí không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số, hướng tới phương thức sản xuất, cung cấp thông tin đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị, đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa nguồn thu.

“Trong đó, quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy và cách làm, trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại để làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội. Các cơ quan báo chí phải tập hợp thành một lực lượng thống nhất, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đóng vai trò dòng chảy chính về thông tin, định hướng dư luận trên không gian mạng. Mỗi sản phẩm báo chí phải bảo đảm yếu tố thẩm mỹ, giáo dục, đề cao tính nhân văn, trở thành hình mẫu trong giao tiếp, ứng xử văn hóa trong cộng đồng, nhất là trên không gian mạng và môi trường số.” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà định hướng quan điểm.

small_pttg-haf1.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chuyển đổi số báo chí thực sự “thấm” tới từng cơ quan báo chí, người làm báo

Đối với Hội Nhà báo Việt Nam - ngôi nhà chung của giới báo chí cả nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị phải tiên phong trong bồi dưỡng và xây dựng bản lĩnh chính trị cho các nhà báo, hội viên, đồng thời tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, từ đó giúp “chấn chỉnh” những “lệch chuẩn” về đạo đức nghề nghiệp, nhân lên những giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí. Hội cần có thêm nhiều hoạt động, nhiều đóng góp vào công cuộc hiện đại hóa báo chí, trước mắt là công cuộc chuyển đổi số, làm thế nào để chuyển đổi số báo chí thực sự “thấm” và tác động tích cực tới từng cơ quan báo chí, từng người làm báo.

Thông tin tới Hội báo, Phó Thủ tướng cho biết, ngay trong tháng 3 này Chính phủ sẽ ban hành Đề án về chuyển đổi số trong báo chí. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan báo chí đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng Việt Nam: Chính xác - đại chúng - nhân văn - khách quan. Đồng thời, tạo lập môi trường để những các cơ quan báo chí, truyền thông, người làm báo phát huy sức sáng tạo; phát triển ngành công nghiệp truyền thông của Việt Nam hiện đại, hội nhập ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành phải gắn bó hơn nữa với báo chí, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp đúng chuyên môn, nghiệp vụ. “Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí.” – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

Hội Báo toàn quốc năm 2023 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay thu hút sự tham gia của 63 Hội Nhà báo địa phương; 60 cơ quan báo chí; khối các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng báo chí; các đơn vị cung cấp trang thiết bị báo chí truyền thông hiện đại.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng thành công của Hội báo toàn quốc năm nay, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội và động lực sáng tạo cho đội ngũ làm báo chí. Cùng mong chờ với niềm tin Hội báo toàn quốc năm 2024 có thêm nhiều đổi mới về chủ đề, hình thức tổ chức, thu hút được sự tham gia đông đảo của các nhà báo và công chúng.

Phó Thủ tướng chúc đội ngũ những người làm báo cả nước có nhiều sức khỏe, hạnh phúc để ngày càng làm tốt hơn nữa sứ mệnh vinh quang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí cần thay đổi tư duy và cách làm để làm chủ nền tảng số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO