Bàn kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm hồ nước màu tím

26/04/2017 00:00

(TN&MT) -  Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện nay nguồn nước mặt tại khu vực đầm trước cống số 6, xã Tân Hải, Tân Thành đang bị ô nhiễm nặng, đây là điều kiện cho các loại tảo phát triển mạnh và gây ra hiện tượng nước màu tím. Do vậy, nếu không có giải pháp khắc phục thì tình trạng hồ nước màu tím sẽ lại tiếp tục tái diễn.

Nguồn nước ô nhiễm là điều kiện cho tảo nở hoa

Ông Phạm Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Khu vực đầm nước trước Cống số 6, xã Tân Hải, Tân Thành là nơi tiếp nhận nước thải trước đây của 14 cơ sở chế biến hải sản từ những năm 1998. Theo kết quả khảo sát, đo đạc, đánh giá của Viện Môi trường và Tài nguyên khu vực này đang tích tụ một lượng bùn nhão (ước khoảng 130.000 m3), luôn phân hủy kỵ khí dưới đáy đầm nên khả năng phục hồi, tự làm sạch khu vực này rất chậm nên nguồn nước ở đây luôn trong tình trạng bị ô nhiễm.

1. Nước trong đầm trước cống số 6 ở Bà Rịa – Vũng Tàu bị ô nhiễm tạo điều kiện cho tảo Lam phát triển mạnh gây ra hiện tượng nước màu tím
1. Nước trong đầm trước cống số 6 ở Bà Rịa – Vũng Tàu bị ô nhiễm tạo điều kiện cho tảo Lam phát triển mạnh gây ra hiện tượng nước màu tím

Để có cơ sở khoa học đánh giá nguyên nhân đầm nước khu vực này chuyển sang màu tím, có mùi hôi, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Viện Kỹ thuật Biển (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) lấy mẫu nước trong đầm và lấy mẫu thực vật phiêu sinh để phân tích, đánh giá.

Kết quả phân tích các thông số và so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08:2015/BTNMT (mục B1) cho thấy nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng thể hiện qua nồng độ oxy hòa tan (DO) bằng 0,0 mg/l và các chất hữu cơ, dinh dưỡng (BOD5, COD, Amoni) vượt quy chuẩn môi trường. 

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát khu hệ thực vật phiêu sinh đầm nước trước Cống số 6 đã ghi nhận được 31 loài thuộc 4 ngành tảo khác nhau, trong đó, tảo Lam và tảo Silic có thành phần loài da dạng nhất, với 13 loài chiếm 41,9%; các ngành tảo Lục, Giáp có số loài thấp, từ 1 – 4 loài (3,2 – 12,9%). Phần lớn các loài tảo thích nghi trong môi trường nhiễm bẩn hữu cơ, dinh dưỡng. Nguyên nhân nước có màu hồng, tím là màu sắc do sinh khối tảo Lam gây ra.

Cải thiện chất lượng nước bị ô nhiễm trong đầm

Với thực trạng nguồn nước trong đầm bị ô nhiễm nghiêm trọng do hoạt động chế biến biến hải sản ở xã Tân Hải (Tân Thành), Sở TNMT đang khẩn trương triển khai nhiệm vụ trọng tâm là nạo vét, hút lượng bùn tại đầm nước trước Cống số 6 nhằm cải thiện chất lượng nước trong đầm. Theo đó, Sở TNMT sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT và các cơ quan chức năng tập trung triển khai thực hiện việc nạo vét bùn trong tháng 5 – 6/2017 nhằm phục vụ cộng đồng, phòng chống thiệt hại.

 Hiện nay, Sở TNMT đã khảo sát, chọn xong vị trí và thỏa thuận thuê đất của dân trong 03 năm để thực hiện, sau khi kết thúc sẽ hoàn trả lại cho người sử dụng đất. Tổng diện tích mặt bằng để xây dựng 12 ô chứa bùn là 4,2 ha. Dự kiến chia thành 2 khu vực để xây dựng các ô chứa bùn, mỗi khu gồm 6 ô với diện tích 2,1 ha.

Bên cạnh đó, đã xây dựng rất kỹ các giải pháp thi công. Theo đó, việc thi công các ô chứa bùn vẫn phải đảm bảo việc giữ nguyên hiện trạng nền đất và thảm thực vật bên trong các bờ bao nên giải pháp khả thi nhất là dùng máy đào để đào đất tại chỗ và đắp bờ bao quanh các ô chứa theo bản vẽ thiết kế thi công; thi công các cửa xả bằng cơ giới kết hợp thủ công; tạo mái dốc và đầm nén bờ bằng máy đầm kết hợp thủ công; lót vải địa kỹ thuật gia cố mặt trong các bờ bao. Thuê các ghe chuyên dụng hút cát lòng sông để bơm hút bùn từ đầm chứa lên các ô chứa bùn; bơm nạp bùn vào các ô chứa bùn được thực hiện theo chế độ luân phiên được định sẵn: tuần tự mỗi ô mỗi lần bơm nạp lớp bùn nhão đến độ cao 30cm, sau đó phun rắc đều 3,6 tấn vôi bột lên trên bề mặt, ngưng 12 ngày để tách nước và làm ráo bùn, rồi tiếp tục bơm nạp đợt tiếp theo (tổng cộng 15 chu kỳ bơm nạp bùn). Việc bơm hút bùn chỉ thực hiện trong những ngày không có mưa. Trường hợp đang thi công gặp mưa thì ngưng lại, đợi hết mưa 2 tiếng sau thi công tiếp.

Ngoài ra, sẽ phối hợp với đơn vị liên quan theo dõi, giám sát thường xuyên trong quá trình thi công nạo vét, hút bùn. Theo đó, sẽ giám sát chiều cao lớp bùn mỗi lần bơm nạp vào ô chứa bùn; số lượng vôi bột được phun rãi mỗi lần trên bề mặt ô chứa và độ đồng đều; sự tụt giảm độ cao lớp bùn trong mỗi ô sau chu kỳ 12 ngày phơi khô tự nhiên và tách lọc nước qua các cửa xả; chất lượng nước được thấm lọc qua các cửa xả trước khi hoàn lưu trở lại cống số 6 (đo 2 chỉ tiêu độ đục và TSS); sự phát sinh mùi hôi và côn trùng trong quá trình bơm hút bùn; các dấu hiệu có nguy cơ dẫn đến sự cố bể bờ bao quanh các ô chứa bùn để kịp thời thông báo, cảnh báo cho các hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và biết thời gian hút bùn để chủ động phòng ngừa...

Sau khi hoàn tất việc thi công nạo vét, bơm hút bùn lên các ô chứa bùn, tiến hành phun rải chế phẩm sinh học (dự kiến sử dụng chế phẩm Biomix-2) lên khắp bề mặt đầm chứa với liều lượng phun lần đầu 50 g/m2 ở những chỗ cạn và 100 g/m2 ở những chỗ sâu trên 1m nước. Trước khi phun, sẽ lấy mẫu nước trong đầm để phân tích các thông số ô nhiễm đặc trưng và 30 ngày sau khi phun, tiếp tục lấy mẫu nước lần 2 phân tích các thông số ô nhiễm để đánh giá hiệu quả cải thiện chất lượng nước trong đầm nhằm điều chỉnh liều lượng phun phù hợp. Nhu cầu sử dụng Biomix-2 để phun rải khoảng 16.065 kg.

Ông Trần Văn Cường – Phó Giám đốc phụ trách Sở NN & PTNT  tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại cồng số 6 hiện nay là rất cấp thiết nhằm ổn định tâm lý cho người dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và thuộc xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Bởi vì, trong đợt cá chết hàng loạt ở Long Sơn gần đây nhất (ngày 6,7/4) là do cá bị nấm, đây là bệnh phổ biến trong nuôi thủy sản. Tuy nhiên, do thời gian qua, nhiều cơ sở chế biến hải sản ở Tân Hải đã xả thải trộm ra môi trường, làm nguồn nước bị ô nhiễm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt, bà con thiệt hại nặng nề. Do vậy, bây giờ cứ xảy ra hiện tượng cá chết là bà con nghĩ ngay đến nguồn nước bị ô nhiễm từ đầu nguồn chảy về (từ cống số 6). Cộng thêm đầm khu vực cống số 6 nước chuyển màu tím (ngày 27/3) làm người dân hoang mang, không yên tâm để đầu tư nuôi thủy sản mới. “Giải pháp thi công nạo vét, bơm hút bùn nhão ở đầm là giải pháp cơ bản để cải thiện chất lượng nước bị ô nhiễm nơi đây” - ông Trần Văn Cường khẳng định.

Linh Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bàn kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm hồ nước màu tím
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO