Bàn giải pháp đột phá cho vùng kinh tế trọng điểm ven biển

Hoàng Nhất Thống| 08/11/2019 11:28

(TN&MT) - Học viện Chính sách và Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế biển bền vững và chính sách đột phá phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và những vấn đề rút ra cho Việt Nam”.

Toàn cảnh Hội thảo 

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS Đào Văn Hùng (Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển) cho rằng: Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước. Tuy nhiên, phát triển bền vững kinh tế biển vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc xác định sự chồng chéo, bất cập và các rào cản trong tư duy phát triển, thể chế, chính sách và quản lý đến các vấn đề cụ thể trong quy hoạch, đầu tư kết nối cơ sở hạ tầng kinh tế và kỹ thuật, liên kết vùng… nhằm đề xuất những giải pháp chính sách đột phá có căn cứ khoa học và thực tiễn để phát triển kinh tế biển bền vững các vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam là cần thiết.

Theo GS. TSKH Nguyễn Quang Thái (Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam), chúng ta muốn phát triển nhanh và bền vững, tránh nguy cơ tụt hậu, trong đó, kinh tế biển và ven biển đóng vai trò đầu tàu; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, rất cần có các Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển . Một mặt ứng dụng nhanh khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Mặt khác phải đẩy mạnh liên kết vùng ven biển; gắn kết tăng trưởng kinh tế với an sinh xã hội.

Về phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam, theo TS Cao Lệ Quyên (Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản) cần tiếp tục rà soát và điều chỉnh và xây dựng cơ chế, chính sách mới đặc thù riêng cho ngành sản; tăng nguồn vốn ngân sách nhà nước cho ngành duy trì các mục tiêu; gắn phát triển kinh tế biển của địa phương với kinh tế ngành thủy sản và kinh tế biển toàn quốc; nâng cao vai trò của các hội, hiệp hội thủy sản cũng như việc tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị của các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản.

Cũng tại Hội thảo, TS Trịnh Thế Cường (Cục Hàng hải Việt Nam), trên cơ sở phân tích thực trạng và bối cảnh quốc tế, khu vực, trong nước đã xác định các giải pháp để thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam của ngành hàng hải, bao gồm các giải pháp cho đội tàu vận tải biển, hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics.

Còn Thạc sỹ Hoàng Thị Phượng (Viện Dầu khí Việt Nam) đưa ra những giải pháp để phát triển bền vững ngành dầu khí Việt Nam là hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí; đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên nhằm tạo ra chuỗi giá trị gia tăng lớn; nâng cao năng lực quản trị của Tập đoàn Dầu khí.

Tại Hội thảo, các đại biểu còn tập trung thảo luận về kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và bài học cho Việt Nam đối với phát triển kinh tế biển ở vùng kinh tế trọng điểm; phát triển năng lượng tái tạo từ biển; đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật đối với các ngành khai thác biển; xác định vai trò điều phối triển khai chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế biển

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bàn giải pháp đột phá cho vùng kinh tế trọng điểm ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO