Bamboo Capital: Mục tiêu trở thành doanh nghiệp năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam

Nguyễn Thanh| 02/04/2021 14:47

(TN&MT) - Bối cảnh Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế trong năm qua càng làm nổi bật hơn thành công của những doanh nghiệp bản lĩnh tiến về phía trước, linh hoạt, sáng tạo trong kinh doanh. Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) là một trong số những doanh nghiệp đó, họ đã kiên định với mục tiêu phát triển năng lượng sạch và đạt nhiều thành công trong năm qua.

Bamboo Capital tham gia Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020

Chặng đường 10 năm thành công

Năm 2021 này, BCG sẽ bước sang tuổi thứ 10. Để gây dựng một doanh nghiệp có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng thì 10 năm là chặng đường không dài. Được thành lập năm 2011, BCG hoạt động trên hai lĩnh vực chính: Dịch vụ ngân hàng đầu tư, tư vấn M&A và huy động vốn; Cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin, phát triển dự án. BCG nhanh chóng mở rộng sang mua bán sáp nhập các doanh nghiệp có tài sản tốt nhưng hoạt động dưới tiềm năng trong các lĩnh vực lắp ráp, xây dựng, sản xuất gỗ, cà phê…

Đến năm 2015, BCG đã có 15 công ty thành viên và liên kết, chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) với mã chứng khoán BCG. Năm 2019, BCG tái cấu trúc, định vị lại chiến lược kinh doanh, hợp nhất các danh mục đầu tư, tập trung vào 4 mảng chính: sản xuất và nông nghiệp; phát triển hạ tầng và bất động sản; xây dựng và thương mại; năng lượng tái tạo. Hiện tại, BCG đang tập trung vào ba mảng kinh doanh lớn là bất động sản (BCG Land), năng lượng tái tạo (BCG Energy) và xây dựng (Tracodi).

Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ nhìn từ trên cao

Khi kinh tế Việt Nam và toàn thế giới chao đảo vì đại dịch Covid-19, BCG đã điều chỉnh mô hình kinh doanh linh hoạt, ra các quyết sách đúng đắn để đạt nhiều thành quả ấn tượng. Lũy kế cả năm 2020, doanh thu thuần đạt 1.902 tỷ đồng tăng 20,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt gần 280 tỷ đồng cao gấp 2 lần cùng kỳ và vượt 52% kế hoạch lợi nhuận năm. Về tình hình tài chính, tổng tài sản của doanh nghiệp hết năm 2020 là 24.055 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), gấp 3,3 lần so với con số đầu năm.

Năng lực triển khai dự án của BCG được chứng minh khi công ty con mảng năng lượng của BCG BCG Energy hoàn thành hai dự án năng lượng mặt trời lớn là VNECO Vĩnh Long 49,3 MW và Phù Mỹ 330 MW (giai đoạn 1, công suất 216 MW) và hàng loạt dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất lên đến gần 50 MW trong năm 2020.

Dự án biểu tượng King Crown Infinity tại TP. Thủ Đức

Ở mảng bất động sản, BCG Land ghi dấu ấn với hàng loạt dự án bất động sản cao cấp tại miền Trung như: Malibu Hội An, Casa Marina Resort và Casa Marina Premium (Ghềnh Ráng, Quy Nhơn) và sắp tới là dự án Hoian d’Or. Tại TP.HCM, BCG Land đã hâm nóng thị trường với dự án King Crown Village Thảo Điền và King Crown Infinity - công trình được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng của TP. Thủ Đức.

Với mảng xây dựng, Tracodi là công ty thành viên BCG vừa được nâng hạng thành công ty xây dựng loại 1. Năm 2020, Tracodi đạt doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng. Năm 2021 này, Tracodi dự kiến sẽ tăng trưởng vượt bậc, đạt doanh thu trên 4.000 tỷ đồng, tập trung vào xây dựng công nghiệp, hạ tầng và dân dụng.

Năng lượng tái tạo là định hướng tương lai

Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc BCG Energy cho biết: “Phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu để bảo vệ môi trường, giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính và giảm phụ thuộc vào những nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt. BCG quyết tâm làm năng lượng sạch là bởi tình hình thiếu điện ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam do tốc độ tăng trưởng của tiêu thụ cao hơn tốc độ phát triển nguồn cung mới. Ước tính trong giai đoạn 2020, Việt Nam sẽ thiếu 20 tỷ kWh điện và con số này sẽ gấp đôi trong năm 2025. Do đó, những năm vừa qua, BCG không ngừng tập trung nghiên cứu và triển khai các dự án năng lượng tái tạo để tìm nguồn cung thay thế”.

Các dự án năng lượng mặt trời được Bamboo Capital triển khai đúng tiến độ

BCG đã làm việc với các đối tác hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực năng lượng để tìm giải pháp công nghệ, kỹ thuật, phương án xây dựng, biên pháp bảo vệ môi trường cũng như phân tích nhu cầu năng lượng của các địa phương để lập các dự án nhà máy năng lượng tái tạo có công suất phù hợp. Đến nay, BCG đã huy động được 5 triệu USD từ Tập đoàn Hanwha Energy và 43,6 triệu USD từ Leader Energy nhờ uy tín trong việc quản lý tốt và triển khai dự án đúng tiến độ.

Năm 2021 này, BCG đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hơn 800 tỷ đồng, đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi bởi các dự án năng lượng mặt trời và bất động sản mà BCG triển khai các năm trước đang vào điểm rơi lợi nhuận. BCG sẽ tiếp tục đẩy mạnh các dự án điện gió để tận dụng tối đa ưu đãi về giá FIT điện gió của Chính phủ trong năm nay. Bên cạnh đó, BCG cũng tiếp tục phát triển các dự án điện mặt trời, điện khí LNG và đặc biệt là điện mặt trời áp mái ở các khu công nghiệp hiện đang còn nhiều dư địa.

Mục tiêu đến năm 2025, BCG sẽ đưa vào khai thác thương mại các dự án có tổng sản lượng điện lên đến 2,5 GW, từng bước trở thành doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam và tầm cỡ khu vực châu Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bamboo Capital: Mục tiêu trở thành doanh nghiệp năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO