Phát triển bền vững

Bài học đồng lòng
- từ khóa của thành công

Việt Hải - Nguyễn Nga 03/11/2023 20:06

Cách trung tâm huyện 23,5km, Chiềng Khoa như khối cơ bắp cuộn lên trên cánh tay của Vân Hồ. Nơi đây, ba năm về trước, xã Chiềng Khoa được công nhận xã Nông thôn mới đầu tiên. Đi tìm “điểm sáng” Chiềng Khoa, chúng tôi được nghe rất nhiều về hai chữ “đồng lòng”.

z4845371999748_bfb780e7c60e8106787c951b78e6af02.jpg
z4845372037359_33f1ddabed3fcb8487350d1d16d4b372.jpg

Con đường nhựa phẳng lì nối từ Trung tâm huyện tới các điểm xã khiến cho đường về Chiềng Khoa thêm gần lại. UBND xã vào giờ hành chính khá vắng, chỉ có một số cán bộ trực, còn thì: “Đang đi bản hết rồi, muốn tìm thì phải gọi điện thoại thôi. Cán bộ phải đi bản xem bà con làm ăn chứ”.

Người phụ nữ có gương mặt tươi tắn nói như thế khi thấy chúng tôi dừng trước cửa phòng làm việc của Phó Chủ tịch Đinh Văn Hoạt. Thế nhưng sau khi nghe giải thích là đoàn đã có hẹn với Ủy ban thì chị hồ hởi mời vào phòng Phó Chủ tịch ngồi chờ. Rồi chị “kêu cán bộ Hiệu về” pha trà mời khách.

Sau màn giới thiệu, chào hỏi, Chủ tịch Hội Nông dân Chiềng Khoa Hà Văn Hiệu vừa tráng ấm pha trà, vừa trao đổi nhanh về nội dung công việc sẽ diễn ra. Anh rót nước mời chúng tôi, ánh mắt không giấu được niềm vui: “Trà này là của đồng bào mình đấy”.

z4845375076298_c12fc56108c1177a37e9abea5ad0b1e0.jpg
Giám đốc HTX chè Trường Khoa giới thiệu sản phẩm chè quý với Phó Chủ tịch Đinh Văn Hoạt và phóng viên Báo TN&MT

Chúng tôi nâng chén trà lên, cảm giác ngạc nhiên, phấn khích pha lẫn tò mò khiến trong lòng chỉ mau muốn biết “đồng bào mình” đã làm gì để có thứ uống đậm đà này.

Thì đây. Cả một cánh đồng chè bao la phủ kín mấy vạt đồi, gối san sát nhau như những mâm xôi khổng lồ. Chỗ này chiếc máy cắt chè có năng suất bằng khoảng mươi người hái thủ công đang hoạt động. Chỗ kia nhóm phụ nữ đang dồn chè cắt được vào bao. Từng chiếc từng chiếc xe máy nối nhau chở bao chè cồng kềnh ra khỏi ruộng. “Họ chở chè về cơ sở sản xuất của Hợp tác xã (HTX) chè Trường Khoa”.

Chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Không nghĩ ở vùng đất mới được ngắt ra từ những cái thẻo rồi hợp lại thành Vân Hồ mà máy móc đã xuất hiện để thay thế sức lao động của con người. Càng không nghĩ có một Nhà máy sản xuất chè đặt ở nơi đây.

Có một Nhà máy chè không chỉ là mơ ước lập nghiệp của Giám đốc HTX Trần Minh Hiệp mà còn là ước mơ cháy bỏng của chính quyền và nhân dân xã Chiềng Khoa. Những năm trước, ai mạnh trồng cứ trồng, ai tiện hái cứ hái, bán được thì hái, không bán được thì để vậy cho mọc ngút lên. Thế rồi HTX bén duyên với đất Chiềng Khoa, chè được bao tiêu đầu ra. Được sự vận động của cán bộ xã và Hội Nông dân, bà con bắt đầu tham gia HTX, bắt đầu một thời kỳ ươm trồng, thu hái theo quy trình, kỹ thuật.

z4845372140411_aa633e5ad1d11ae2ece81499a3a3b29e.jpg
Người dân Chiềng Khoa thu hoạch chè bằng máy

Đến nay, người dân Chiềng Khoa đã biết hướng tới một ngành chè hữu cơ, biết đến thị trường xuất khẩu Trung Đông, biết đến dòng trà quý được chăm trồng, thu hái và sản xuất theo một quy trình nghiêm ngặt. Biết nhìn xa hơn trông rộng hơn để nuôi lớn những ước mơ…

Bởi ước mơ của đồng bào Chiềng Khoa dài rộng lắm, không chỉ gửi ở cây chè mà còn gửi ở cả những vườn cây ăn trái, những thửa ruộng xen canh tăng năng suất, những vùng sản xuất hữu cơ, không hóa chất, không thuốc trừ sâu. Họ còn nuôi ước mơ làm nông nghiệp sinh thái để kích cầu du lịch. Như Vì Thị Phiêng ở bản Mường Khoa là một điển hình.

Phiêng hiện đang là chủ nhân của 3.000m2 lúa, 1ha chè và gần 3ha cam sạch hữu cơ, là một trong những hộ nông dân tích cực nghe theo hướng dẫn của xã, mạnh dạn đi đầu chuyển đổi mục đích cây trồng, xóa bỏ cây ngô, sắn cho năng suất thấp để chuyển sang trồng cây ăn trái trên đất dốc, kết hợp làm kinh tế với phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Chị cũng là người tích cực lan tỏa giá trị của việc canh tác hữu cơ tới bà con nông dân, hội viên HTX và hội phụ nữ trong xã, vận động mọi người tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP. Chị bảo, nhờ có chính quyền, có già làng mách bảo nên chị đã đổi đời. Trong suốt quá trình tham gia chuỗi sản xuất, chị và những người nông dân ở Chiềng Khoa đã được cơ quan chuyên môn của huyện, xã hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, được đi học, tập huấn dùng phân hữu cơ theo hướng dẫn của tổ chức VietFarm.

“Từ khi chuyển sang làm hữu cơ, mình không dùng thuốc trừ sâu nữa. Các loại hóa chất có hại khác cũng bỏ luôn. Mấy năm nay, gia đình mình có tiền, mình có sức khỏe. Đất của mình được chăm bón hữu cơ nó cũng màu mỡ hơn chứ không bạc như trước đây. Mình biết ơn Đảng, ơn chính quyền và các cán bộ đã giúp mình thay đổi. Mình chỉ mong nhiều người cùng làm như mình để thu hút nhiều người đến với Chiềng Khoa mình hơn. Phải đông người cùng làm thì xã mình mới mạnh lên được”.

z4845372078025_59550fb9ba441caf2a9b879240ba54ec.jpg

Không chỉ đến lúc trò chuyện với Vì Thị Phiêng chúng tôi mới nhận ra những đổi thay trong tư duy của đồng bào, bởi trước đó, những thành viên ở HTX chè cũng nói với chúng tôi điều đó, rằng có nghe theo cán bộ, già làng, có bảo nhau cùng làm và phải làm thật thì mới có thể làm nên chuyện lớn. Rõ ràng, Chiềng Khoa đang khẳng định một hướng đi đúng đắn mà một trong những nguyên nhân của sự đúng đắn này bắt nguồn từ mục tiêu vì dân. “Chỉ khi cán bộ biết đặt mục đích vì dân lên hàng đầu thì mới biết lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của dân, biết nói để dân hiểu, dân nghe theo làm theo. Chỉ có 3 từ hợp lòng dân thôi nhưng chúng tôi luôn tâm nguyện phải rất nỗ lực cố gắng mới chạm tới được. Khi đã hợp lòng dân thì chuyện khó nhiều thành khó ít, chuyện khó ít thành chuyện bình thường” - Phó Chủ tịch Đinh Văn Hoạt trầm ngâm chia sẻ.

Trên con đường nỗ lực phấn đấu đưa xã phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân, Đảng ủy, UBND xã cùng đội ngũ cán bộ đảng viên Chiềng Khoa rất vững tâm khi đồng hành với họ là những người dân chất phác cần cù, biết vượt lên hoàn cảnh, biết nắm tay nhau một lòng xây dựng quê hương. Đồng hành với họ còn là những già làng, người có uy tín như Ngần Văn Lâng - họ là những cánh tay nối dài của Đảng ủy, chính quyền, là cầu nối bền chắc nối liền chủ trương của Đảng, của chính quyền với dân và nguyện vọng, tâm tư của dân tới chính quyền, Đảng ủy.

Bài học đồng lòng để thành công không chỉ đưa Chiềng Khoa trở thành điểm sáng trong bức tranh phát triển của Vân Hồ mà còn là bài học nằm lòng trong mọi chặng đường phát triển của bất cứ địa phương nào, không chỉ hiện tại mà còn đặt nền móng cho cả tương lai. Bài học ấy hiện hữu trong từng ánh mắt nụ cười và lời nhận xét của người dân Chiềng Khoa mà chúng tôi chứng kiến.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
  • Yên Bái: Hơn 50% diện tích có nguy cơ trượt lở đất đá nguy hiểm
    Hơn 70% số xã với hơn 50% tổng diện tích tỉnh Yên Báo có nguy cơ trượt lở đất đá ở mức cao và rất cao. Việc đánh giá hiện trạng và xây dựng được bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá có vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai.
  • Triển khai phân loại rác thải tại nguồn tới từng thôn, bản
    (TN&MT) - Triển khai phân loại rác thải tại nguồn nhằm tiến tới xử lý rác theo hướng tuần hoàn, giảm chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế là định hướng quản lý chất thải rắn vùng nông thôn ở huyện miền núi Yên Bình (Yên Bái).
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO