Bài dự thi "Cùng giữ màu xanh của biển: “Xanh lại” những cánh rừng phòng hộ

Bài và ảnh: Trương Thanh Liêm, Số 170 Lý Tự Trọng, quận Ninh Kiề| 25/05/2021 13:47

(TN&MT) - Cứ mỗi lần có dịp về quê, tôi lại dành thời gian rong ruổi trên các bãi biển Thừa Đức, Thới Thuận (Bình Đại); Bảo Thuận, Bảo Thạnh (huyện Ba Tri); Thạnh Phong, Thạnh Hải (Thạnh Phú). Đi để xem biển quê mình nơi nào còn đầy đặn, nơi nào hao khuyết trước những đợt xâm thực của thủy thần. Đi để thấy thương hơn những bãi biển bị gầy mòn dù con người xứ biển vẫn đang từng ngày, từng giờ chật vật đối phó, che chắn và cố công bồi đắp.

Sóng dữ cuốn rừng

Duyên cớ cuộc hành trình trên xứ biển của tôi xuất phát từ lời cảnh báo rất chí tình của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo, người luôn đau đáu với nỗi lo mất rừng phòng hộ. Ông nói: “Biển sẽ nhấn chìm chúng ta, nếu hôm nay chúng ta chậm trễ xác định tầm nhìn thẳng tiến ra biển. Rừng phòng hộ ngày càng thu hẹp, bức tường chắn mưa bão, ngăn gió chướng dần mất đi, hệ lụy không mong muốn là sóng biển sẽ cuốn phăng nhà cửa, đất đai sản xuất của người dân. Vấn đề giữ đất, lấn biển đang cấp bách hơn lúc nào hết”.

Biển Thạnh Hải trong một ngày đầu tháng 5, hàng ngàn mét đê bao ven biển quanh các bãi tắm như Hàng Dương, Tây Đô... đã bị sóng đánh sập và cuốn ra xa hàng chục mét. Từng vạt rừng dương phòng hộ cũng đã bị sóng đánh tróc gốc. Từng “pháo đài” bao cát cũng bị sóng đánh tan hoang…

Bãi biển Thừa Đức (Bình Đại).

Ông Trần Văn Thu, ngụ ấp 8 (Cồn Bửng) nói với vẻ lo âu: “Mấy năm nay sóng biển “tấn” vô dữ lắm, mình “tấn” cỡ nào cũng không giữ được. Xóm nầy bị sóng đánh sập đê bao nuôi tôm hàng trăm héc-ta, của cải mất trắng hết. Đã vậy, sóng còn “nuốt” luôn đất nuôi tôm, giờ không biết tính sao”.

Cùng nỗi lo như ông Thu, bà Võ Thị Hoa, ngụ TP. Bến Tre than vãn: “Tôi từ Bến Tre xuống đây mua đất làm khu du lịch, buôn bán thủy sản, khô mực. Vốn đầu tư ban đầu cũng đã trên 5 tỷ đồng, lời đâu chưa thấy mà đất bị “hà bá” nuốt chửng gần phân nửa rồi. Đã vậy hai năm nay dịch bệnh Covid-19 hoành hành nên có ai đến đây du lịch gì đâu. Giờ đi thì nhớ, ở thì thêm nợ”.

Thạnh Phú có chiều dài bờ biển hơn 35 km. Hai năm qua, nhiều khu trên bãi biển nguyên sơ này đã bị sóng nhận chìm mất dạng. Điều đáng lo là hàng trăm ha rừng mới trồng để tạo thành hành lang ven biển đã không trụ được trước sự tấn công của thủy thần. Khi tôi có mặt tại khu rừng phi lao tại cồn Bửng cũng là lúc nhận tin: 5 ha rừng phòng hộ tại cồn Ngô Năm, xã Thạnh Phong vừa mới “biến mất”, con đường ra cồn đang bị chia cắt hoàn toàn.

Chỉ mới năm 2020 đây thôi, chúng tôi cũng đã có dịp tận mắt chứng kiến sự sạt lở ở cồn Nhàn (thuộc xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri), nơi được xem là “vương quốc muối hạt” của tỉnh Bến Tre. Thế nhưng chỉ sau 4 tuần tàn phá, sóng biển đã cuốn phăng trên 20 ha bãi biển và hàng chục ngàn cây phi lao phòng hộ. Những “hàm ếch” vẫn đang tiếp tục ăn sâu vào đất liền dưới chân chúng tôi như đang báo hiệu cho những đợt xâm thực tiếp theo. Cồn Nhàn là nơi bị sạt lở nhanh và nghiêm trọng nhất tại huyện này.

Ông Võ Văn Sáu, nhân viên bảo vệ rừng ngập mặn tại đây chua xót nói: “Mình trồng một, sóng tàn phá mười, sức nào mà chịu được. Sóng giật đến trơ gốc những cây phi lao cao lớn, cây phi lao ngã xuống bị sóng cuốn ra khơi vùi lấp dưới cát mất tăm. Cảnh tượng diễn ra thường xuyên ở khu vực ven biển này, thấy xót ruột lắm mà chưa biết làm sao bây giờ”.

Tại huyện biển còn lại của Bến Tre là Bình Đại (gồm 2 xã Thới Thuận, Thừa Đức) tình hình cũng không khả quan hơn. Trong năm 2020, đã có gần 20 ha bị sóng cuốn trôi và hiện tượng trên vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Quy luật bồi xói tại khu vực ven biển tỉnh Bến Tre là bồi vào mùa Tây Nam và xói vào mùa Đông Bắc (gió chướng). Nhưng lượng xói lở vào mùa Đông Bắc nhiều hơn lượng bồi mùa Tây Nam dẫn tới làm mất cân bằng tại những khu vực này, điều này làm cho bờ biển tại Bến Tre ngày càng bị xói lở mạnh.

Chung tay trồng rừng, giữ đất

Có thể thấy rằng, rừng phòng hộ ngày càng thu hẹp dần, đồng nghĩa với bức tường che chắn mưa bão, ngăn gió chướng ngày càng yếu đi, sóng biển sẽ dễ dàng cuốn phăng nhà cửa, đất đai sản xuất của người dân. Để giữ đất giữ rừng, tỉnh Bến Tre đã bố trí nguồn vốn thực hiện một số công trình cấp bách xử lý sạt lở và bảo vệ bờ biển. Cụ thể là các công trình gia cố cồn Nhàn, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri; xã Thừa Đức, huyện Bình Đại; khu vực cồn Lợi xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú với tổng mức đầu tư lên trên 283 tỷ đồng.

Sạt lở biển Thạnh Hải (Thạnh Phú, Bến Tre)

Cùng với đó, tỉnh Bến Tre đang huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chủ yếu tạo nền tảng để phát triển tỉnh về hướng Đông. Đây đang là chiến lược ưu tiên số 1 để giữ đất, giữ rừng hiệu quả nhất. Trong đó, xây dựng tuyến giao thông khép kín các tỉnh ven biển gồm: Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh; phát triển cảng biển; Quy hoạch và thu hút đầu tư các khu phức hợp lấn biển như: công nghiệp kết hợp đô thị, thương mại, du lịch, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Nghị quyết hướng Đông cũng đề ra nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển tỉnh về hướng Đông.

Ông Dương Vĩnh Thịnh - Chi Cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo (Sở TN&MT tỉnh Bến Tre) cho biết thêm, hiện đơn vị đang tập trung vào các giải pháp quản lý tài nguyên, quy hoạch vùng ven biển, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên như đất, cát, nước và theo định hướng mô hình kinh tế tuần hoàn. Bảo vệ môi trường bằng cách quản lý chặt chẽ và phát triển diện tích rừng. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đê biển, đê sông, chủ động kiểm soát xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nâng cao năng lực cấp nước sạch, xử lý nước biển thành nước ngọt, đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho các huyện ven biển.

Cũng theo ông Thịnh, trước mắt đơn vị đã đề xuất 21 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển từ Cửa Đại đến cửa Sông Cổ Chiên với chiều dài khoảng 50 km. Vị trí các khu vực cần bảo vệ là khu du lịch bãi biển, phía trên là mảng rừng, đất trồng cây hoa màu và các vuông nuôi trồng thủy sản của người dân. Riêng bờ biển Thạnh Phú, chiều dài được thiết lập hành lang bảo vệ là trên 20 km thuộc hai xã Thạnh Phong và Thạnh Hải. Nơi đây có nhiều khu du lịch sinh thái, bãi tắm, hệ sinh thái rừng ngập mặn, phòng hộ… Hàng năm, tỉnh Bến Tre tổ chức nhiều hoạt động đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, qua đó, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân bảo vệ tài nguyên, môi trường biển. Đồng thời, kiên quyết xử lý việc chặt phá rừng phòng hộ và san lấp trái phép, đào ao nuôi tôm; kiên quyết bảo vệ an toàn rừng hiện có, tổ chức trồng rừng phòng hộ, phủ xanh bờ biển; tăng cường công tác bảo vệ đất đai, môi trường biển.

Lộ trình đã có, quyết tâm đã sẵn sàng, hướng đi đã rõ, hy vọng tất cả sẽ tạo nên một sức mạnh mới, một sự chuyển biến đồng bộ để bảo vệ bằng được rừng phòng hộ và bờ biển thân yêu trên quê hương Bến Tre, làm nền cho một cuộc sống bền vững, an lành của người dân trước biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi "Cùng giữ màu xanh của biển: “Xanh lại” những cánh rừng phòng hộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO