Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Từ ô nhiễm trắng đến khát vọng xanh

Bài và ảnh: Nguyễn Hiệp (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận)| 16/08/2022 15:22

(TN&MT) - Bình Thuận không chỉ có “thủ đô resort” Mũi Né nổi tiếng, không chỉ có khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn nằm giữa lòng thành phố Phan Thiết. Với 192km bờ biển, từ mũi Đá Chẹt đến bãi bồi Bình Châu và 52.000km2 tổng diện tích vùng lãnh hải của tỉnh, Bình Thuận là một ngư trường lớn và có rất nhiều bãi tắm đẹp quyến rũ du khách. Nhưng một thời gian dài, vấn nạn ô nhiễm trắng làm đau đầu những nhà chức trách và những con dân tâm huyết với quê hương.

Bài 1: Khát vọng xanh ở Phan Rí Cửa

Sông Lũy bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh tuy có độ cao hơn 800m nhưng đoạn lưu vực lại quá dài (61,5/98km). Gần đến cửa biển, sông lại chia nhỏ thành các phụ lưu như Ma Ó, Cà Giây, Cà Tót nên đoạn ở ngay cửa biển thuộc thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong), dòng nước cứ lờ đờ, không muốn chảy. Bao nhiêu rác rến đổ xuống dòng sông đều “lưu luyến định cư” quanh cửa biển. Nguồn thải không chỉ trên đất liền mà còn từ trên sông, trên biển. Ngư dân ở đây lại có thói quen nghĩ biển sẽ nuốt trôi, nhấn chìm tất cả, xem biển là hố rác lớn, cứ vứt rác bừa bãi từ trên bờ, từ trên ghe, tiện đâu ném đó. Rác hữu cơ thì qua thời gian tự phân hủy nhưng các chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, nhất là các sản phẩm nhựa thì tích tụ từ đời này sang đời khác. Rác thải nhựa theo con nước lòng vòng, tấp đống, tấp ụ dọc theo bờ kè, đầy vun trong các kẹt đá, chôn vùi lớp lớp trong bãi cát.

nu-cuoi-tinh-nguyen-vien-khi-tham-gia-chien-dich-mua-he-xanh-2022.jpg

Nụ cười tình nguyện viên khi tham gia chiến dịch Mùa Hè Xanh 2022.

Khoảng 5 năm nay, tình hình đã thay đổi phần nào. Thiệt tôi đã mừng thầm, tin tưởng vào một sự thay đổi! Dường như các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu đã hình thành được một lộ trình đúng đắn.

Sáng đầu thu này, tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Thìn và ông Trần Quốc Tài, là hai Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phan Rí Cửa. Chúng tôi nói chuyện nhiều về môi trường, vấn nạn rác thải nhựa và các giải pháp. Ông Tài chia sẻ: Trong khoảng mười năm gần đây, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực: Khi tình hình rác thải nhựa trên bờ biển và cả các khu chợ, bến xe gây bức xúc trong dân, năm 2008, Đảng ủy Phan Rí Cửa đã ra Nghị quyết chuyên đề về môi trường, từ đó có kế hoạch thực hiện cụ thể. Song song với việc tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Kế hoạch hành động 435 của UBND tỉnh Bình Thuận, thị trấn có nhiều mô hình được đề ra và đã, đang thực hiện hiệu quả: Ở khu phố Minh Tân, đội ngũ thầy cô giáo, học sinh đều đặn hàng tuần ra quân thu gom rác thải nhựa. Hội Cựu chiến binh thị trấn chịu trách nhiệm giữ sạch khu phố Sông Thanh II. Chi hội Phụ nữ thị trấn vừa tăng cường tuyên truyền ý thức giữ gìn khu phố Sông Thanh I luôn xanh - sạch - đẹp, vừa vận động các mẹ, các chị thường xuyên quét dọn, thu gom rác trên bãi biển và quanh khu nhà ở. Từng hộ dân sống ven bờ kè, bãi biển được thường xuyên nhắc nhở và vận động tham gia việc giữ vệ sinh chung, không thải rác ra biển. Trong khu vực Hòa Minh, thị trấn đã quy hoạch một bãi chứa rác chung để tiêu hủy bằng phương pháp phân loại, đốt và chôn lấp… Mới đây UBND thị trấn Phan Rí Cửa ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND về việc "Triển khai thu gom rác và xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn thị trấn Phan Rí Cửa năm 2022", theo đó, địa phương đã chú trọng đến các giải pháp hiệu quả như: Tăng cường chuyến xe lấy rác tại các nơi công cộng, các điểm sát bờ biển, các tuyến đường ven biển, các điểm tập kết rác,... Sửa chữa các thùng đựng rác và phương tiện thu gom rác bị hư hỏng, đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ các trang thiết bị cần thiết để thực hiện tốt vệ sinh môi trường, khuyến khích các hộ dân sống dọc kè biển xây dựng nhà vệ sinh, hầm thoát nước riêng đảm bảo nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát và thông tin trên hệ thống truyền thanh. Hằng kỳ, hằng năm đều có sơ, tổng kết công tác bảo vệ môi trường, có khen thưởng kịp thời những tấm gương làm tốt.

ong-le-duc-hoang-phan-ri-cua-am-tham-tung-ngay-don-rac-bai-bien-lien-tuc-hon-20-nam-1-.jpg
Ông Lê Đức Hoàng (Phan Rí Cửa) âm thầm từng ngày dọn rác bãi biển liên tục hơn 20 năm

Ông Nguyễn Văn Thìn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị trấn cho biết: Từ ngày xóa bỏ khu nhà chồ, ý thức của người dân đã thay đổi rõ rệt, bãi biển thuộc thị trấn đã sạch hơn rất nhiều. Trên những bãi tắm, người đông hơn, người lớn tập thể dục, trẻ em chơi đùa không còn cảm giác nhờn nhợn vì dơ dáy như trước đây. Ngoài ra, toàn thị trấn còn trồng được 327 cây xanh dọc theo các tuyến đường nội thị để tăng vẻ đẹp cảnh quan và thanh lọc không khí.

Ông Nhơn Thanh Thuận, chủ một quán cà phê gần bãi biển bày tỏ sự vui mừng và cho biết: Ngoài những chiến dịch của chính quyền thị trấn, phong trào tự nguyện nhặt rác cũng rộ lên vài năm nay. Nhất là phong trào nhặt rác thải nhựa ven biển vào sáng Chủ nhật hằng tuần do nhiều nhóm bạn tắm biển đến từ các nơi trong thị trấn.

Chuyện khởi đầu từ ông Lê Đức Hoàng, vốn là thợ sửa chữa xe. Vào một sáng đẹp trời năm 2001, ông Hoàng ra biển tắm, ông đã rùng mình vì rác rến quá nhiều, ông thấy tiếc cho bãi biển quê nhà quá đẹp của mình. Từ đó, đều đặn sáng nào chiều nào, ông cũng ra biển với cây cào trên vai, ông miệt mài gom rác lại từng đống, đợi bãi biển vắng người, ông tiến hành đốt hủy. Tùy theo con nước, mùa gió Nam thì người ta thấy bóng dáng lom khom với cây cào ở trước nhà thờ Khu Sáu, mùa Bấc thì ông lầm lụi cào rác tận mép biển Duồng. Hơn 20 năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, ông vẫn vác cào đều đặn ra biển với một ý chí không lay chuyển.

Năm 2017, có thêm cô giáo Võ Thị Thục Đoan, là giáo viên sinh - hóa trường THCS Trần Quốc Toản, hiểu biết về mức độ nguy hiểm của các dạng rác nhựa, cô trở thành người nhặt rác tích cực. Cô vận động nhóm bạn học cũ tự đóng tiền mua dụng cụ, mua bi xi măng làm các hố rác nổi và tất cả cùng ra biển nhặt, cào gom rác chuyển đến bãi tập kết vào các thứ bảy và Chủ nhật hằng tuần. Thấy việc làm hữu ích của cô, cả trường đã chung tay chung sức, cứ cuối tuần là giáo viên trong trường cùng đồng loạt “ra quân”. Các chú bộ đội ở Đồn Biên phòng Hòa Minh gần đó, rồi bạn bè trên mạng xã hội cũng đến kết hợp thu gom, dọn rác cùng giáo viên. Có cô giáo còn thu lại các hộp nhựa trồng hoa kiểng. Riêng "Chị Sáu Môi Trường" còn thu những bẹ dây nhựa để đan giỏ đựng cá cung cấp cho các ghe thuyền. Đều đặn cứ cuối tuần là bãi biển đông đúc như có hội, người nhặt, kẻ cào, tiếng cười đùa vang vang trên cả đoạn bãi biển dài gần 3km.

bo-doi-bien-phong-phan-ri-cua-don-ve-sinh-bai-bien.jpg
Bộ đội biên phòng Phan Rí Cửa dọn vệ sinh bãi biển

Tạo được sự lan tỏa tích cực, ý nghĩa, góp phần giữ sạch xanh bờ biển, cô Thục Đoan được UBND Thị trấn Phan Rí Cửa, được UBND huyện Tuy Phong và UBND tỉnh Bình Thuận tặng Giấy khen. Việc khen thưởng động viên kịp thời của chính quyền cũng góp phần kích hoạt phong trào chung tay “xanh hóa, sạch hóa bãi biển quê nhà".

Ngày nay, đến thị trấn Phan Rí Cửa, đi dọc bãi biển, dọc theo những ngôi nhà sau bờ kè, tôi đã tận mắt chứng kiến sự đổi thay lớn lao: Đa phần các hộ gia đình đã thực hiện phân loại rác thải tại nhà, phát huy hiệu quả rác thải hữu cơ và nhựa tái chế, nhằm giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Đi sâu vào các khu phố, tôi đã thấy có nhiều mô hình, nhiều tổ nhóm “Đổi chai nhựa lấy cây xanh”, “Tổ phụ nữ phân loại rác tại nguồn”, “Đổi chai nhựa, dây nhựa lấy giỏ đi chợ”, “Đổi rác thải tái chế lấy kinh phí hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em nghèo”… Bãi biển Phan Rí Cửa đang hồi sinh, chất lượng nước biển ở các bãi tắm không còn dấu hiệu ô nhiễm như trước đây. Màu xanh khát vọng đang gần thành sự thật!

Bài 2: Xanh từ Phan Rí ra miền Cù Lao

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Từ ô nhiễm trắng đến khát vọng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO