Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển” - Rác thải từ biển: Hãy hành động vì môi trường

Đinh Thành Trung (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội)| 08/07/2021 10:54

(TN&MT) - Đã nhiều lần đến các bãi biển để nghiên cứu về tự nhiên, văn hóa và sự tác động của cuộc sống con người tới môi trường biển, tôi nhận ra những tổn hại của môi trường biển không chỉ đến từ nguyên nhân tự nhiên mà còn có phần rất lớn từ hành động của con người. Vậy nên, con người phải tích cựu nâng cao nhận thức và hành động để bảo vệ môi trường biển.

Khi công sức như muối bỏ bể

Tôi đã chứng kiến nhiều hoạt động dọn rác môi trường biển ở các bãi biển Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định… Cuộc nào cũng có khá đông học sinh, sinh viên, tình nguyện viên cùng tham gia. Đó là hoạt động vô cùng ý nghĩa. Tuy nhiên ô nhiễm vẫn tiếp tục và đều do con người vẫn xả rác ra. Nhặt xong, sau đó vài ngày bãi biển lại vất vưởng rác rến. Vẫn là túi ni lông, vỏ bánh kẹo và chai nhựa… khó phân hủy. Thực tế thật đáng báo động. 

Luật pháp nước ta đã quy định rõ về hành vi xả rác gây hại cho môi trường. Theo quy định Điểm c và d, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị. Rõ ràng là vậy, nhưng trên thực tế rất khó xử phạt những người cố tình vứt rác, nhất là vứt rác trên bãi biển, bởi một lẽ đơn giản là… không bắt được tận tay. Việc bắt quả tang hành vi vứt rác trên bãi biển rất khó vì không có lực lượng chuyên trách và không có camera giám sát toàn bộ bãi biển.

Môi trường biển bị xâm hại nghiêm trọng - Ảnh minh họa

Vùng biển Việt Nam rộng hơn 1 triệu km2, gấp ba lần diện tích đất liền. Các bãi biển nước ta vừa là nơi khai thác du lịch và sinh kế cho người dân, vừa thể hiện bộ mặt du lịch với du khách quốc tế. Chính vì vậy, để biển có rác là không thể chấp nhận được, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới.

Mục tiêu của chúng ta đã có, đó là đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 của Đảng ta cũng đã khẳng định: "Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta". Mục tiêu này không thể thực hiện được nếu môi trường biển bị xâm hại nghiêm trọng chỉ vì ý thức kém của con người.

Tuyên truyền, giáo dục và xử phạt

Thói quen xả rác bừa bãi đã trở thành một căn bệnh trầm kha, một phản xạ ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Nếu bạn hỏi 10 người, tôi tin rằng ít nhất 5 người trong số đó thừa nhận đã có lần họ vứt rác bừa bãi. Sự thật buồn đó chung quy là do “bệnh” thiếu ý thức đã trở thành cố hữu. Thực trạng nhức nhối này ai cũng biết, cả người dân lẫn các nhà quản lý. Nhưng biết thì biết như vậy, việc xả rác bừa bãi vẫn cứ xảy ra thường xuyên.

Ở các bãi biển lớn trên thế giới, rác trên đường là “của hiếm” vì người dân rất có ý thức. Họ không bao giờ xả rác ra đường, nhất là trong đô thị. Không nói đâu xa, ngay ở Singapore, bãi biển sạch như lau như li. Họ bị cấm xả rác? Phải rồi, nhưng quan trọng là ý thức bảo vệ môi trường của họ rất tốt. Nó có thể coi như một thứ “văn hóa” ăn sâu vào tiềm thức của họ. Một nguyên nhân nữa khiến bãi biển bên họ sạch sẽ là họ xử phạt rất nặng hành vi xả rác nơi công cộng. Nếu lỡ tay xả rác, bạn sẽ bị phạt rất nặng, bạn sẽ phải mất cả tháng lao động công ích, chưa kể mất một khoản tiền lớn. Chính vì thế, nạn xả rác gây ô nhiễm môi trường được giải quyết mà không tốn nhiều công sức.

Chai nhựa, túi ni lông bức tử môi trường - Ảnh minh họa

Ở nước ta, tuy đã có luật cấm xả rác bừa bãi nơi công cộng nhưng xử lý còn chưa nghiêm. Nhiều người dân đều coi xả rác là việc bình thường. Vì thế, môi trường đã ô nhiễm càng thêm ô nhiễm, nhất là ở các bãi biển. Qua kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy: luật lệ tạo dựng ý thức. Chỉ cần có chế tài xử lý nghiêm, phạt thật nặng những người xả rác bừa bãi thì hoàn toàn có thể trị tận gốc căn bệnh thiếu ý thức này.

Bên cạnh đó, cần tích cực đẩy mạnh việc giáo dục cho thế hệ trẻ, phải giáo dục từ rất sớm, từ lúc chưa biết gì, để những “người lớn sau này” hình thành ý thức bảo vệ môi trường từ khi còn nhỏ. Để cải thiện ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ, điều đầu tiên là người lớn chúng ta phải gương mẫu thì trẻ em mới nghe theo. Bố mẹ xả rác bừa bãi thì chắc chắn con họ cũng sẽ xả rác như vậy. Muốn các bậc phụ huynh cải thiện ý thức thì phải có những chế tài pháp luật đi kèm với việc giáo dục chính những “người lớn” này. Có pháp luật phạt nặng thì những phụ huynh xả rác sẽ sợ ngay, đồng thời họ cũng sẽ ngăn con em họ gây ô nhiễm môi trường.

Nếu không hành động ngay từ bây giờ mà chỉ thực hiện những phong trào "hời hợt" thì chúng ta không thể cắt giảm số rác, đặc biệt là rác thải nhựa gây hại với môi trường biển. Hành động mạnh mẽ phải áp dụng từ các cơ sở kinh doanh, các nhà sản xuất thực phẩm, nhất là các cơ sở vùng cửa biển, duyên hải. Quan trọng nhất là lan tỏa trong cộng đồng và làm thế nào để người dân tham gia. Muốn tạo thành ý thức và hành động của cả xã hội, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến cơ sở, đến từng cá nhân con người. Cần cả những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội đứng lên lan tỏa phong trào nói không với rác thải nhựa. Đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động hạn chế đến mức tối đa sử dụng đồ nhựa, nhất là đồ nhựa sử dụng một lần.

Để rác trở thành “của hiếm” trên biển, để cứu biển Việt Nam, không cách nào khác, chúng ta cần các giải pháp toàn diện, đồng bộ cho mọi ngành kinh tế, mọi địa phương. Đó chính là điều mấu chốt để công tác bảo vệ môi trường biển của chúng ta đạt được kết quả tích cực. Quản lý tốt, xử lý mạnh các hành vi gây hại cho môi trường biển là điều vô cùng quan trọng. Nếu không, sự tàn phá môi tường, tàn phá thiên nhiên sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng khi biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn, tác động tiêu cực ngày càng tăng hơn. Và bên cạnh nâng cao năng lực về thể chế, chính sách xử lý vi phạm môi trường biển, chúng ta cần tìm kiếm những mô hình phát triển biển Xanh, để đồng bộ sự phát triển trong chung sống hài hòa với tự nhiên.

Bài dự thi xin gửi về địa chỉ:

Email: thukytoasoan.monre@gmail.com

Điện thoại liên hệ: 0243.7738729 (máy lẻ 305)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển” - Rác thải từ biển: Hãy hành động vì môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO