Bài dự thi: "Cùng giữ màu xanh của biển" - Níu từng thớ đất giữ làng

Bùi Thị Thoa (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương)| 07/10/2021 11:02

(TN&MT) - Hoàng hôn buông lơi mặt nước, phất phơ lau sậy in xuống mặt sông Thu Bồn. Tiếng dao tiện ống sậy ngọt lẹm hòa trong tiếng líu ríu của người dân gốc Quảng và một giọng Hà Nội nhẹ như gió thoảng. Tôi nghe câu được câu chăng. Lạ lắm. Và cũng tò mò lắm. Có gì đó thôi thúc bước chân tôi tới gần.

Có những căn lều ngoài trời được họ dựng lên và ngủ tại bờ sông Thu Bồn này. Trong một vài căn lều, mọi người chuẩn bị bữa ăn, làn khói xanh lam mờ ảo bay lên hòa vào bờ tre. “Tôi gắn với nơi đây tự nhiên như dòng chảy của con sông Thu Bồn này. Phải chăng, tôi là người thích thử thách, thích mạo hiểm. Sự đủ đầy không dành cho tôi mà dường như những gì khó khăn, tự nhiên và hoang dã nhất luôn quyến rũ tôi hơn”, ấy là lời chia sẻ của Vũ Mỹ Hạnh.

Mỹ Hạnh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, cô tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Ngoại thương và có 5 năm kinh nghiệm làm việc cho một tổ chức phi Chính phủ nước ngoài. Một công việc bao người mơ ước nhưng cô gái Hà thành này lại lựa chọn rẽ ngang đến vùng quê nghèo thuộc tỉnh Quảng Nam để bắt đầu hành trình mới: Hành trình bảo vệ bờ sông và khôi phục hệ sinh thái đất cửa biển.

 

Vùng đất Triêm Tây ở ngã ba sông Thu Bồn là một trong những cửa ngõ đổ ra biển. Nhưng dáng hình đẹp đẽ đang dần biến mất. Người dân Triêm Tây bất lực trước những cơn giận của tự nhiên. Họ đành khăn gói ra đi tìm sự an toàn và kiếm kế sinh nhai, bởi mỗi mùa mưa lũ, đất cứ thế theo dòng nước trôi ra biển. Diện tích đất ở của thôn Triêm Tây là 40ha nhưng đến giờ chỉ còn 12,8ha. Vắng bóng người, đất không được giữ, sạt lở xảy ra thường xuyên, hệ sinh thái dần bị bào mòn.

Mỹ Hạnh chia sẻ: “Chứng kiến cảnh bà con mất đất, mất kế sinh nhai, lòng tôi quặn lại. Tôi luôn ước mơ về một cuộc sống mà con người chan hòa với thiên nhiên. Tôi nghĩ nếu giữ được đất và hệ sinh thái tự nhiên trù phú thì bà con vùng Triêm Tây sẽ ấm no hơn. Trước, ông bà ta đã sống rất gần gũi và thuận hòa với thiên nhiên. Vì vậy, chúng tôi đã nghiên cứu và thử nghiệm các loại cây có cơ chế phòng ngự cao trong Dự án dựng bờ kè sinh thái dựa vào thảm thực vật bằng cách gầy dựng những thảm thực vật có tính thích nghi để hạn chế sạt lở đất, dần dần xây dựng hệ sinh thái bền vững cho bờ sông”.

TS. Ngô Anh Đào, Công ty Tư vấn quy hoạch và thiết kế cảnh quan LAPAT International, người bạn cộng tác với Hạnh cho biết: “Thay vì sử dụng những kè cứng (đá, thép, xi măng), tôi đưa ra ý tưởng thiết kế kè sinh thái bằng cách dựa vào cấu trúc tự nhiên mà thực vật sử dụng để tồn tại trước những sự thay đổi của môi trường. Hay nói ở ngôn ngữ thời hiện đại là “thích ứng với thiên nhiên” chứ không phải “chinh phục thiên nhiên”. Chính vì thế, chúng tôi đã sử dụng thảm thực vật bản địa và vật liệu thân thiện với môi trường kết hợp với kỹ thuật ổn định bờ phù hợp với điều kiện thực tế và không gian thực tế để xây dựng kè. Kè sinh thái bảo vệ đê điều không chỉ đơn giản là trồng cây vào đó mà vấn đề mấu chốt ở sự tiếp giáp giữa nước với bờ, làm sao để tạo thành một hệ sinh thái ven bờ, là ngôi nhà để các loài động, thực vật ven bờ cư ngụ, đấy mới gọi là kè sinh thái. Và chúng tôi gọi tên là kè An Nhiên”.

Tìm ra giải pháp, được sự ủng hộ của thành phố Hội An, Hạnh cùng TS. Ngô Anh Đào bắt tay xây dựng một cộng đồng cùng làm việc và sinh hoạt để thực hành lối sống bền vững, trong đó có những khu vườn sinh thái. Họ đã từng bước trồng cây giữ đất, thiết lập hệ thống kè mềm 3 lớp ở đoạn sông Thu Bồn qua Triêm Tây để hạn chế sạt lở. Triết lý thuận theo tự nhiên tưởng đơn giản nhưng quả là quá mạo hiểm. Rút kinh nghiệm từ thất bại với lớp bờ kè cứng (bê tông, đá) ở lần đầu tiên thử nghiệm, lần này, họ đã tạo bổ sung 3 lớp kè chắn sóng. Lớp thứ nhất là cây bần, lớp thứ hai được trồng đan xen sậy và cỏ búa, lớp cuối cùng là hàng dương liễu. Từ các lớp chắn sóng này mà nhiều năm qua, đất Triêm Tây được giữ lại. Người dân trong làng cũng không còn bỏ đi nơi khác kiếm kế sinh nhai.

Một khu rừng đa loài và đa tầng được dựng lên hàng trăm mét dọc bờ sông Thu Bồn. Bờ kè mềm với 3 lớp cây tiên phong trải qua kỳ “sát hạch” của trận lũ lịch sử năm 2017 chỉ bị hư hại nhẹ. Chứng kiến sự đổi thay này mới thấm, thuận theo lẽ tự nhiên một cách thông minh và linh hoạt sẽ mang lại hiệu quả thiết thực. Diện tích bờ kè mềm ngày một mở rộng và cách làm này đã lan tỏa. TP. Hội An đã tin tưởng giao thêm đất ở sát bờ Cẩm Kim để nhóm tiếp tục trồng rừng theo mô hình kè 3 lớp và thảm cây tiên phong.

Chị Hạnh giới thiệu bờ kè An Nhiên với khách tham quan.

“Ưu điểm của kè sinh thái là hoàn toàn linh hoạt và thích ứng với các thách thức của tự nhiên, hiểm họa của thiên tai. Đó là một hệ quả tất yếu của chọn lọc tự nhiên ưu tiên hệ thực vật bản địa. Về mặt kinh tế, kè mềm chứng tỏ tính ưu việt vì chi phí thấp hơn rất nhiều, thường chỉ bằng 1/10 giá thành so với kè cứng (bê tông, đá). Song đòi hỏi của kè mềm là công sức và sự hiểu biết, nghiên cứu và áp dụng linh hoạt, sáng tạo hệ thực vật bản địa và vật liệu địa phương”, TS. Ngô Anh Đào cho biết.

Xong công cuộc trồng cây giữ đất, cô gái trẻ cùng cộng sự bắt đầu xây dựng một lối sống xanh ở Triêm Tây. Dưới những ngôi nhà bằng vật liệu tre gỗ, khách đến trang trại của Hạnh cùng tham gia làm vườn, nấu ăn, cắt sậy, đánh cá, cào hến... Giữa thảm thực vật đa loài, con người nuôi dưỡng hệ sinh thái đất, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa địa phương với lối sống tôn trọng, trải nghiệm thiên nhiên trong những ngôi nhà gỗ. Hiện An Nhiên đang thu hút sự chú ý của khách du lịch trong và ngoài nước, những con người cùng mối quan tâm, chia sẻ, trăn trở trước các vấn đề về môi trường. Bên cạnh giữ đất cho làng Triêm Tây, mục tiêu của Hạnh là làm giàu hệ sinh thái tự nhiên địa phương và quản lý rác thải, ngăn rác thải ra biển để hạn chế mối nguy hại đến sinh vật ven biển.

Trăn trở từ việc những sản phẩm xà phòng, dầu ăn, vải của các khách sạn cao cấp bị bỏ phí, Hạnh bắt tay vào thực hiện các dự án tái chế giúp giảm lượng chất thải ra môi trường. Cô đã cùng cộng sự sáng lập Dự án "Tái chế cho sinh kế", trong đó có "Vải cho cuộc sống" và "Xà phòng hy vọng". Hiện tại, mỗi ngày, dự án sản xuất và phân phối 1.000 ống hút bằng cỏ sậy cho 6 cửa hàng ở khu vực Hội An - Đà Nẵng, tạo được việc làm cho một nhóm thanh niên địa phương từ nguồn sậy già khai thác ở kè mềm. Chia sẻ về điều này, Hạnh kể: “Trong quá trình tiếp xúc với cây sậy, tôi nhận thấy thân cây nhỏ bé này có thể dùng làm ống hút nhằm thay thế ống hút nhựa vốn dĩ không tốt cho môi trường”.

Sáng sớm, ánh nắng ban mai chiếu rọi vào những hàng sậy bên bờ sông Thu Bồn, tiếng chim hót ríu ran, những nụ cười tươi rói... Có lẽ, mọi người đều nhận ra đổi thay của thiên nhiên khi con người sử dụng phương pháp kè mềm để tạo sự hài hòa với thiên nhiên. Đây là một trong những mô hình để chứng minh giải pháp hòa hợp, thích ứng là đúng đắn và cần thiết. Cư xử nhẹ nhàng với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên và môi trường, chỉ có như vậy mới hy vọng giữ được vẻ đẹp nguyên sơ và lộng lẫy nơi cửa sông Thu Bồn, và lớn hơn là giữ đất, giữ hệ sinh thái đất, giữ môi trường sống cho người dân. Để ấm no và bình yên, để mỗi sớm mai, tiếng chim hót líu lo trong bờ lau sậy, tiếng cá quẫy đuôi vọt trên mặt nước, gió lao xao và lòng người cũng lao xao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi: "Cùng giữ màu xanh của biển" - Níu từng thớ đất giữ làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO