Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Người giữ rừng cho biển

Văn Thanh Bạch (Huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre)| 21/04/2022 14:23

(TN&MT) - Về miền quê biển của xứ Dừa Bến Tre, nhắc đến cái tên “Người giữ rừng”, ai ai ở địa phương này cũng đều nghĩ ngay đến nữ thạc sĩ Trịnh Thị Ngọc Hiện, người đã góp công xây dựng và lan tỏa mô hình du lịch sinh thái, khai thác nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị kinh tế dưới tán rừng, tái tạo tài nguyên để hướng đến sự phát triển bền vững của địa phương.

Bỏ phố về biển

Mới đây, chúng tôi có dịp trở lại vùng ven biển Bến Tre. Giờ đang mùa gió chướng. Từng cơn gió mạnh từ biển thổi ào ạt, “ùa” vào làm lay động cả dãy rừng ngập mặn bạt ngàn xanh mướt những đước, mắm, bần, phi lao, dừa nước… Ở xứ Dừa Bến Tre, rừng ngập mặn được xem là “bức tường xanh”, có tác dụng ngăn chặn, hạn chế tác hại của gió bão, sóng biển và bảo vệ môi trường biển.

Đến thăm “Người giữ rừng” tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, cách trung tâm TP. Bến Tre khoảng 50km, chúng tôi được thưởng thức những món ăn tươi ngon như tôm, cua, cá, hàu… Các loài đặc sản này, theo cô chủ nhỏ Trịnh Thị Ngọc Hiện, là nguồn hải sản được khai thác dưới tán rừng ngập mặn, đảm bảo nguồn gốc và đạt tiêu chuẩn sinh thái sạch.

h4.jpg

Mặt nước dưới tán rừng ngập mặn là các loài hải sản có chất lượng tốt.

Chia sẻ câu chuyện sinh kế của “Người giữ rừng”, thạc sĩ Ngọc Hiện cho biết: Sau khi tốt nghiệp đại học Nông lâm TP.HCM, cô không ở lại thành thị mà trở về quê hương và làm việc tại Hội Thủy sản Bến Tre. Thời gian này, Hiện được giao phụ trách giám sát một số dự án hỗ trợ người dân nuôi thủy sản kết hợp bảo vệ rừng. Những lần lặn lội vào rừng cùng với người dân, Hiện nhận thấy rừng luôn dồi dào sản vật sạch nhưng chưa đến được với thị trường, và cuộc sống của những người giữ rừng vẫn còn quá khó khăn.

Theo Ngọc Hiện, muốn người dân giữ rừng tốt thì phải đảm bảo thu nhập ổn định cho họ, vì vậy cô nghĩ ngay đến việc tạo “cầu nối” giữa người dân và thị trường. Sau thời gian vừa làm vừa học, hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ, Hiện xin nghỉ việc, bắt tay ngay vào dự án kinh doanh với tên gọi “Người giữ rừng”. “Với ý tưởng kinh doanh này, em mong muốn tạo được sinh kế cho những người giữ rừng để đảm bảo đời sống và nâng cao thu nhập, đó là động lực tốt nhất để người dân gắn bó với rừng. Dự án kinh doanh này cũng là tình yêu em muốn dành cho thiên nhiên và quê hương yêu dấu của em”.

Bắt tay vào thực hiện dự án, Ngọc Hiện đã đi gặp từng hộ dân, hướng dẫn cách nuôi trồng sạch, đặt vấn đề mua thủy sản sạch với giá cao hơn khoảng 15% giá thị trường. Lúc đầu người dân e ngại vì chưa thực sự tin tưởng. Dần dà, sự kiên nhẫn, chân thành và kinh doanh đường hoàng của Hiện đã khiến người dân tin tưởng, thay đổi tập quán thói quen chăn nuôi và rồi hợp tác với Hiện để cùng nhau khai thác, cùng nhau bảo vệ rừng.

Đến nay đã có hàng trăm nông dân vùng biển nơi đây nuôi và cung cấp những đặc sản biển cam kết không sử dụng thức ăn công nghiệp và bất cứ loại thuốc kháng sinh, tăng trưởng, chất diệt khuẩn hay chất xử lý môi trường nào. Đặc biệt, bà con đều thực hiện đánh bắt có chọn lọc nên nguồn thủy sản luôn dồi dào và bền vững.

Đến đây rồi ở lại đây

Nhân chuyến đi này, để cảm nhận thêm cách làm mới mẻ của cô gái trẻ, đêm xuống, chúng tôi quyết định “trú ngụ” lại ở các Homestay được dựng lên giữa khu rừng ngập mặn của “Người giữ rừng”, với mong muốn được trải nghiệm, giải trí, nghỉ dưỡng trong không gian hệ sinh thái rừng ngập mặn, đặc biệt là được chứng kiến và hiểu hơn về cuộc sống cũng như công việc thường nhật của những người giữ rừng đồng hành cùng Ngọc Hiện.

h3.jpg

Ngọc Hiện cùng bạn bè chăm chút từng cây xanh.

Bên tách trà nóng, anh Nguyễn Tấn Vàng (chồng của Ngọc Hiện) tâm sự: “Bến Tre là vùng đất chịu nhiều thiệt hại vì thiên tai và biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đặc biệt, cơn bão Durian năm 2006, hạn mặn lịch sử đầu năm 2016, 2020… đã gây ảnh hưởng nặng nề cho người dân xứ Dừa, nhất là với khu vực ven biển. Vì vậy, tụi em nhận thấy việc bảo vệ rừng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Giá trị mà rừng ngập mặn mang đến cho chúng ta rất lớn, nó không chỉ là nguồn thủy sản tự nhiên quý giá từ dưới tán rừng mà còn là bức tường xanh chắn sóng, hạn chế tốc độ suy thoái khí hậu, hạn chế những diễn tiến bất thường của khí hậu gây ra. Với tụi em, giữ rừng cũng giống như giữ trong sạch lá phổi và giữ “lá bùa” sinh mệnh cho chính mình và bà con”.

Theo Tấn Vàng, để góp phần giữ rừng, những năm qua, các thành viên dự án và cộng sự đã tham gia trồng hơn 10ha rừng ngập mặn ven bờ. Tới đây sẽ tiếp tục trồng khoảng 10 - 15ha trong năm 2022. “Chúng em còn phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân xung quanh cùng tham gia trồng và nhân rộng diện tích rừng. Đặc biệt là rừng ngập mặn, bà con chỉ lo phần đất, còn về con giống, cây giống thì bên em sẵn sàng tài trợ, kể cả đứng ra kêu gọi tình nguyện viên hỗ trợ người dân trồng rừng”, Tấn Vàng chia sẻ.

Tuy vậy, điều mà đôi bạn trẻ Ngọc Hiện và Tấn Vàng trăn trở nhất, đó là trong xu hướng công nghiệp hóa, diện tích rừng do người dân quản lý bị chuyển đổi sang nuôi tôm công nghiệp không chỉ làm thu hẹp diện tích rừng mà còn gây ra những hậu quả về môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Hơn nữa, với phương thức khai thác tận diệt, nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm… Do đó, họ rất mong các cấp chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả quản lý về tài nguyên và môi trường, cân bằng giữa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh với đảm bảo môi trường, phát triển bền vững; đồng thời kêu gọi cộng đồng dân cư chung tay bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn lợi thủy sản, cân bằng lợi ích của con người và thiên nhiên.

Nói thêm về phát triển bền vững, Ngọc Hiện tâm sự: “Ngay từ khi mở ra không gian “Người giữ rừng”, điều đầu tiên chúng em nghĩ đến là khai thác thủy hải sản dưới tán rừng có chọn lọc. Để làm được điều này, trước tiên phải phát triển “du lịch có trách nhiệm”, và không ai khác, chính mình phải là người tiên phong, có trách nhiệm với người dân và trách nhiệm với rừng”..

Nói về “Người giữ rừng”, ông Võ Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho biết, đây là dự án du lịch khởi nghiệp gắn với mục tiêu phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn, bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Đây cũng là mô hình phát triển du lịch phù hợp với xu hướng của Việt Nam nói chung, của địa phương Bình Đại nói riêng.

Ông Võ Văn Quân đánh giá cao kết quả đạt được và thành công của “Người giữ rừng” thời gian qua, đặc biệt là đã xây dựng và thực hiện nghiêm nguyên tắc giữ gìn và bảo vệ môi trường du lịch không rác thải, xây dựng và xử lý nước thải khép kín, không xả thải trực tiếp ra môi trường; đồng thời, hướng đến mục đích là an toàn cho du khách và mục tiêu phát triển du lịch bền vững, thân thiện với môi trường.

Theo ông Võ Văn Quân, dự án phát triển du lịch “Người giữ rừng” đã tạo được niềm tin, khơi dậy ý thức “trồng một cây tuy chưa là rừng nhưng nhiều cây sẽ có rừng” cho cộng đồng; kết quả thời gian qua đã chứng tỏ được điều đó. Ông Quân cho rằng, với khả năng và tiềm năng, “Người giữ rừng” còn có thể phát triển lớn mạnh hơn, nhân rộng mô hình để phát triển các vùng lân cận như Thừa Đức, Thới Thuận, Thạnh Phước,…

Chia tay “Người giữ rừng”, một cảm giác an vui và ấm lòng cứ vấn vít tỏa lan trên những vòm xanh miên man. Lại chợt nhớ giọng cười hồn hậu của cô chủ giữ rừng: “Em chỉ muốn làm những điều giản dị, đó là giữ rừng cho biển. Bởi có rừng, biển sẽ bớt dữ dằn hơn, để cùng với rừng, biển sẽ mang ấm no, bình yên đến cho con người. Được như vậy thì khó khăn mấy em cũng tự nguyện gắn bó dài lâu, anh ạ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Người giữ rừng cho biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO