Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Giữ biển xanh từ góc nhìn trẻ

Vũ Lê Anh Thư (Học sinh Trường THCS Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà | 26/07/2022 16:21

(TN&MT) - Đối với tôi, biển rộng lớn, bao la và thật đặc biệt. Đứng trước biển, tôi vẫn thường hay thấy mình nhỏ xíu như hạt cát, nhưng có lúc tôi lại cảm thấy mình thật người lớn, chợt cảm thấy biển cũng như một người bạn “nhỏ bé” đầy cảm xúc, luôn cần chúng ta yêu thương, chăm sóc và bảo vệ!

Biển trong ký ức tuổi thơ

Là một cô nhóc mười bốn tuổi sống giữa trung tâm thành phố, đi biển đối với tôi luôn là niềm vui. Vì thế, hè nào tôi cũng mong muốn được đến biển. Trước vẻ đẹp của biển, đôi lúc tôi cứ mơ mộng lớn lên mình sẽ có một căn nhà thật đẹp cạnh bờ biển, để làm việc, đọc sách và viết văn. Biển đối với tôi thật nhẹ nhàng và yên bình.

Trước đây, tôi đã từng nghĩ rằng một người còn nhỏ như tôi thì hoạt động môi trường hay bảo vệ biển là một điều gì đó quá lớn lao và nằm ngoài tầm với. Vấn đề môi trường biển chỉ thực sự khiến tôi suy nghĩ từ kỷ niệm của tôi với biển vào đầu năm cấp hai. Thời điểm ấy, tôi cùng gia đình tới một bãi biển nhỏ, khá đông đúc. Như thường lệ, tôi chạy ào xuống, hào hứng cảm nhận làn nước biển mát rượi. Tâm trí của tôi lúc ấy tràn ngập tươi vui. Tôi tự do tận hưởng sự vỗ về của biển cho đến khi nhận thấy có một cái gì đó chạm nhẹ vào da mình. Một cái vỏ gói mì tôm dính dầu mỡ phập phềnh cào vào lưng tôi. Tôi bất giác chạy thật nhanh lên bờ với mẹ. Không hiểu sao, cái cảm giác nhồn nhột ấy lại tác động mạnh tới mức, bây giờ mỗi lúc đi biển, thi thoảng tôi vẫn giật mình nhớ về kỷ niệm không vui ấy.

Và lúc đó, tôi đã nghĩ về vấn đề ô nhiễm môi trường biển. Tôi nghĩ rằng, cảm giác của tôi chắc hẳn cũng sẽ giống với cảm giác của biển và của rất nhiều sinh vật dưới lòng đại dương kia, khi mà môi trường sống của chúng đang bị đe dọa với lượng rác thải đang tăng lên mỗi ngày.

Thực trạng ô nhiễm môi trường biển hiện nay

Tôi vẫn nghe thật nhiều những con số và những thông tin về tình trạng ô nhiễm biển. Chỉ riêng rác thải nhựa, ước tính có ít nhất 8 triệu tấn mỗi năm bị thải ra biển, chiếm 80% tổng số rác thải đại dương và mất ít nhất 400 năm để phân hủy. Tính riêng ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ TT&MT mỗi năm nước ta có khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra môi trường biển, chiếm 6% tổng lượng rác thải nhựa đại dương và đứng thứ 4 toàn cầu. Nghiêm trọng là vậy, nhưng số người thực sự hành động vì môi trường biển hiện nay vẫn là quá ít so với độ cấp bách của vấn đề. Chúng ta có nhiều chiến dịch tuyên truyền làm sạch biển và giữ gìn vệ sinh môi trường. Không thể phủ nhận hiệu quả lớn của những chiến dịch trên, nhưng kể cả số rác được vớt lên có nhiều bao nhiêu, trong khi hàng tấn rác thải nhựa vẫn bị thải ra biển hằng ngày thì vấn đề môi trường biển sẽ không bao giờ được giải quyết triệt để. Và dù có tuyên truyền bao nhiêu thì quyền lựa chọn nghe theo, làm theo đâu đó vẫn phụ thuộc rất lớn vào người dân và thực tế tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn đang tăng lên.

Vậy đâu là vấn đề cốt lõi để ngăn chặn tình trạng gia tăng ô nhiễm biển? Hãy tưởng tượng chúng ta bước chân vào một căn bếp với khung cảnh chiếc bồn rửa ngập nước và vòi nước đang chảy. Nước tràn xuống sàn nhà. Xung quanh có vài chiếc khăn và chậu. Trong trường hợp đó, liệu việc chúng ta định làm ngay có phải là dùng khăn lau sàn nhà hoặc múc nước ra khỏi bồn rửa không?

Chắc chắn việc đầu tiên phải làm là tắt vòi nước. Vì nếu vòi nước tiếp tục chảy, thì dù chúng ta có múc nước hay lau sàn bao nhiêu lâu cũng sẽ chẳng có ích gì, bồn rửa và sàn nhà sẽ vẫn ngập nước. Đó chính là điều cốt lõi. Quay trở lại với việc biển đang quá nhiều rác thải, điều quan trọng nhất mà chúng ta cần phải quan tâm là giải bài toán gian nan: “Làm thế nào để người dân có ý thức và không xả rác bừa bãi?”

Giải pháp tối ưu từ kinh nghiệm của bạn bè quốc tế

Với tôi, có ý thức đồng nghĩa với việc phải hiểu ý nghĩa và đồng thuận làm theo hoặc bắt buộc phải làm theo. Tôi thích cách đồng thuận hơn nhưng tôi cũng hiểu đôi lúc có những việc bắt buộc phải làm. Tôi vẫn nhớ trong một dịp may mắn được bố mẹ cho đi trải nghiệm tại Singapore. Trước khi đi, mẹ dặn tôi tuyệt đối không được xả rác bừa bãi. Mẹ cũng chia sẻ Singapore là một đất nước quản lý chặt chẽ về vấn đề rác thải và tôi sẽ thấy được sự sạch sẽ trên đất nước của họ. Và đúng như lời mẹ nói, trong hai lần tôi tới đất nước Singapore, tôi chưa bao giờ nhìn thấy rác thải ở những nơi công cộng, nhất là tại các bãi biển.

Tôi tự hỏi: “Tại sao Singapore làm được mà nước ta lại chưa làm được?”. Cách mà họ đã thực hiện là kết hợp nhiều biện pháp như sử dụng công nghệ đốt rác phù hợp, kiên quyết xử phạt nặng đối với mọi hành vi gây ô nhiễm, khuyến khích, thúc đẩy tái chế rác thải và tuyên truyền cho người dân về vấn đề môi trường biển.

Cùng với đó, phương pháp tiếp cận của Singapore có cả sự mềm dẻo, khuyến khích và tính chất bắt buộc. Họ có những luật lệ nghiêm và lối kiểm soát chặt chẽ, nhưng cũng kết hợp cả vận động, tuyên truyền.

Ngay tại Việt Nam, chúng ta cũng đã thành công trong việc kết hợp khuyến khích và bắt buộc, điển hình là yêu cầu đội mũ bảo hiểm hay không uống bia rượu khi lái xe. Đầu tiên, người dân được khuyến khích, tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể, sau đó áp dụng chế tài để tạo điều kiện bắt buộc. Dần dần, hình thành thói quen trong cuộc sống và họ cũng thấy được lợi ích của các hành vi này.

Vậy tại sao chúng ta không làm như thế với vấn đề môi trường biển? Ở nước ta, những chính sách về môi trường đã được ban hành khá đầy đủ và mang tính thiết thực cao, tuy nhiên công tác quản lý vẫn còn lỏng lẻo khiến biển vẫn tiếp diễn ô nhiễm nặng. Giải pháp tối ưu cần làm là siết chặt quy định, kiên quyết xử phạt đối với mọi hành vi phá hoại môi trường biển kể cả những hành vi nhỏ nhất. Công tác truyền thông và đào tạo về bảo vệ môi trường biển cũng cần chú trọng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ như chúng tôi. Đào tạo truyền thông cần được thực hiện bởi sự trải nghiệm, lý thuyết luôn phải đi kèm với thực hành để chúng tôi cảm nhận được ý nghĩa của việc mình làm, mang lại cảm giác hứng thú và từ đó sẽ đi tìm “khóa lại chiếc vòi đang chảy”. Hơn nữa, lớp trẻ thường có xu hướng học và làm theo người lớn, thế nên sự chỉ dẫn và làm gương của cha mẹ và những người thân xung quanh cũng đóng vai trò rất quan trọng, góp phần hiệu quả điều chỉnh hành vi bảo vệ môi trường biển. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn được trở thành tấm gương và những đại sứ môi trường biển cho các thế hệ nhỏ hơn góp phần làm môi trường biển ngày càng trong sạch. Làm cho biển trở lại sự bình yên vốn có của nó, là môi trường tuyệt vời có ích cho hàng vạn sinh vật trong đó có cả chính con người chúng ta.

Hơn 70% cơ thể con người là nước, bề mặt trái đất có hơn 70% là biển. Nước quan trọng với sự sống của ta ra sao thì biển cũng quan trọng với hành tinh này như thế. Cơ thể chúng ta không thể thiếu nước, thì trái đất cũng không thể thiếu biển. Làm ô nhiễm biển là chúng ta đang giết chết sự sống của cả hành tinh. Vì vậy, ngay lúc này, chúng ta hãy thật kiên quyết vì sức khoẻ của biển. Chúng ta hãy đứng lên, chung tay và cùng nhau gìn giữ màu xanh của biển yêu thương!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Giữ biển xanh từ góc nhìn trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO