Bắc Quang – Hà Giang: Lợi dụng nông thôn mới để khai thác cát vô tội vạ

20/10/2017 00:00

(TN&MT) - Chưa có kế hoạch, thời gian, địa điểm, phương án khai thác cát phục vụ Chương trình nông thôn mới, nhưng tổ hợp khai thác cát thôn Đá Bàn, xã Hùng An, huyện Bắc Quang đã tự ý khai thác cát bán thương mại ra ngoài, thu lợi tiền bất chính và thách thức dư luận.

Lợi dụng nông thôn mới để đánh cắp tài nguyên

Trong vai một doanh nghiệp đi mua cát xây dựng, chúng tôi tìm đến thôn Đá Bàn, xã Hùng An, huyện Bắc Quang (Hà Giang), nơi đây có một bãi tập kết phục vụ xây dựng chương trình nông thôn mới cho xã Hùng An. một “cò” cát ở đây cho biết, cát họ lấy xây dựng đường làng, ngõ xóm phục vụ nông thôn mới nên giá bán rất “mềm” so với các bãi cát khác.

Trong khi các bãi cát có giấy phép bán cát xây dựng, cát bê tông, cát san nền có giá khác nhau. Nhưng tại thôn Đá Bàn, chủ cơ sở Nguyễn Văn Hậu đều phát ra giá trung 80.000đ/m3 tại bãi, nếu vận chuyển tới chân công trình sẽ cộng thêm 60.000đ/m3 và không có hóa đơn đỏ (VAT), nếu có VAT sẽ cộng thêm 35% thuế.

Tàu “no cát” nằm đợi để bốc dỡ sau giờ trưa
Tàu “no cát” nằm đợi để bốc dỡ sau giờ trưa

Được biết, ngày 18/4/2017 UBND huyện Bắc Quang đã ra Phương án số 07/PA-UBND về việc quản lý và khai thác nguyên vật liệu cát, đá, sỏi để phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó nói rõ nhu cầu hỗ trợ xi măng của Bắc Quang 18.734 tấn, cát vàng 27.245m3, cát nền 35.000m3, sỏi 51.844m3. Đồng thời, yêu cầu UBND các xã, thị trấn có điểm mỏ điều phối, quản lý chung, thành lập tổ hợp tác chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức khai thác tại các điểm mỏ nằm trên địa bàn; căn cứ vào nhu cầu xây dựng các công trình nôn thôn mới, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch khai thác cát, sỏi cụ thể, thể hiện rõ: Thời gian khai thác, địa điểm khai thác, khối lượng khai thác, phương tiện vận chuyển, vị trí tập kết… Kế hoạch phải gửi về Phòng TN&MT huyện tối thiểu trước 5 ngày để thẩm định, trình UBND huyện phê duyệt cho phép khai thác.

Vậy là các xã, thị trấn muốn khai thác cát, sỏi phải có các thủ tục trên mới được phép khai thác phục vụ chương trình nông thôn mới tại chỗ. Tức là cát không được bán ra khỏi xã, không được phép bán thương mại, kể cả bán cho cá nhân, tổ chức xây dựng công trình không liên quan tới nông thôn mới!

Bãi tập kết cát lúc nào cũng đầy ắp
Bãi tập kết cát lúc nào cũng đầy ắp

Khi phóng viên yêu cầu UBND xã Hùng An cung cấp hồ sơ, phương án, kế hoạch… khai thác cát tại thôn Đá Bàn, ông Tống Xuân Ngự, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng An cho biết, xã mới lên kế hoạch các điểm sẽ đổ bê tồng đường, do xi măng vừa mới được cấp, còn phương án khai thác cát, sỏi thì chưa làm. Được biết, Tổ giám sát khai thác cát, sỏi xã Hùng An vừa thành lập được ít ngày (ngày 3/10/2017) do ông Tống Xuân Ngự - Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng, ông Hoàng Văn Khởi – Trưởng Công an xã làm tổ phó…

Tổ giám sát vừa thành lập chưa khô mực, kế hoạch, thời gian và phương án khai thác chưa hề có, vậy mà tại thôn Đá Bàn có 5 chiếc tàu công suất từ 13 – 17 khối/tàu đang ngày đêm khai thác cát dưới lòng Sông Lô.  Cát sau khi được đưa lên bờ, đội quân xe tải sẽ vận chuyển ra bãi tập kết cạnh Quốc lộ 2 để bán thương mại. Theo quan sát của chúng tôi, tại hiện trường cạnh Sông Lô có một máy xúc, 2 tàu “no cát” đang đợi được bốc dỡ, một nhà điều hành làm bằng tre, mái lá cọ, cát tập kết đầy ắp bãi. Còn bãi tập kết cạnh QL2 rộng cả ngàn m2, cát được tập kết khá nhiều, xe tải trọng lớn, xe tải nhỏ… ra vào thường xuyên lấy cát.

Ai chịu trách nhiệm?

Thực trạng khai thác cát vô tội vạ tại xã Hùng An diễn ra công khai, thời gian dài, vậy mà lãnh đạo xã Hùng An không hề hay biết?! Quả thật đây là câu hỏi khó tin, nhưng để có câu trả lời thỏa đáng thì chắc chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Ông Tống Xuân Ngự, sau khi xem ảnh, video phóng viên cung cấp, đã ngay lập tức chỉ đạo cán bộ địa chính xã xác minh sự việc và khẳng định: Nếu chính xác vậy xã sẽ đề nghị đóng cửa và cấm khai thác ngay!

Theo nguồn tin riêng của phóng viên, điểm mỏ thôn Đá Bàn có sự “chống lưng” của chính quyền địa phương. Một cán bộ trong tổ khai thác cát, sỏi thôn Đá Bàn tiết lộ: Đến cán bộ xã, công an xã xuống kiểm tra chúng tôi chỉ cho ngắm cảnh, hít gió trời rồi về, bởi nếu này nọ là có người điện chỉ đạo ngay! Đó cũng lý giải tại sao họ “chê” số lượng cát chúng tôi đặt mua: Tôi đặt mua 300 – 400m3, anh đáp ứng đủ không? Một vị quản lý tại đây cho biết, số lượng đó ăn thua gì, ngay tại bãi cạnh Sông Lô đã đủ cấp cho anh rồi, tôi đủ khả năng cung cấp mỗi ngày cả ngàn mét khối.

Con đường dẫn vào điểm tập kết, khai thác cát, sỏi xã Hùng An
Con đường dẫn vào điểm tập kết, khai thác cát, sỏi xã Hùng An

Tại Công văn số 2134/UBND-VP, ngày 22/8/2017 UBND huyện Bắc Quang nêu rõ: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã chịu trách nhiệm, hình thức kỷ luật trước Thường trực Ban chỉ đạo và Chủ tịch UBND huyện nếu để ra những sai phạm trong công tác quản lý hoạt động khai thác, tiếp nhận và sử dụng nguyên vật liệu cát, sỏi…

Trong quá trình hoàn thiện bài viết, phóng viên nhận được nguồn tin, một số máy móc và tàu đã được chủ mỏ thôn Đá Bàn di chuyển cách vị trí cũ 5km để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng một khi bài báo đăng tải!

Phóng viên đã liên hệ với Chánh văn phòng UBND huyện Bắc Quang để đặt lịch làm việc về nội dung trên, tuy nhiên do vị Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang có việc gia đình nên chúng tôi chưa thể làm rõ thêm nhiều uẩn khúc tại xã Hùng An và một vài xã khác trên địa bàn.

Báo TN&MT sẽ thông tin tiếp về vụ việc.

Doãn Xuân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Quang – Hà Giang: Lợi dụng nông thôn mới để khai thác cát vô tội vạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO