Bạc Liêu: Quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết 120/NQ-CP

Minh Ngọc| 13/03/2021 08:43

(TN&MT) - Năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đồng thời, đề ra mục tiêu tới năm 2050 và tầm nhìn tới năm 2100 phát triển thịnh vượng, an toàn, bền vững vùng ĐBSCL. Chính phủ vừa tổ chức hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH tại TP. Cần Thơ, nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 120 và đề ra những giải pháp chiến lược cho vùng đất Chín Rồng cất cánh.

Tích cực thực hiện Nghị quyết 120

Sau 3 năm ban hành (từ tháng 11/2017), Nghị quyết 120 đã cho thấy vai trò hết sức quan trọng đối với vùng đất giàu tiềm năng nhưng còn không ít khó khăn trong khai thác tiềm năng, thế mạnh. Từ khi Nghị quyết ra đời đến nay đã hơn 3 năm, thời gian tuy không dài nhưng đã thật sự tạo được chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách; Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nguồn lực, quy hoạch kết nối liên vùng; Đảng bộ, chính quyền các tỉnh vùng ĐBSCL nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn, thách thức. Các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển đã tích cực tham gia và hỗ trợ hiệu quả; nhất là đại đa số người dân đã đồng tình, ủng hộ và chủ động tham gia, mang lại hiệu ứng rất tốt. Có thể nói, Nghị quyết đã mang lại luồng sinh khí mới, tạo sự quan tâm sâu rộng cũng như tạo nên tiếng nói chung cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.

Mô hình tôm – lúa phát triển hiệu quả, bền vững

Đối với tỉnh Bạc Liêu, từ khi Nghị quyết 120 được ban hành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng các chỉ thị, chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện tốt nghị quyết này với mục tiêu trọng tâm là thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương trong tỉnh. Cụ thể, đối với phát triển nông nghiệp, Bạc Liêu đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển dịch theo hướng tập trung phát triển thủy sản, nhất là các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và tôm - lúa, hướng tới mục tiêu “Phát triển chuỗi giá trị ngành tôm, xây dựng tỉnh Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm cả nước”. Đồng thời, giảm dần diện tích lúa ở những vùng kém hiệu quả; từng bước hình thành các khu vực sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực gắn với công nghệ chế biến, chuỗi giá trị nông sản. Vì vậy, dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do BĐKH, nhưng ngành Nông nghiệp của Bạc Liêu vẫn liên tục tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước và tiếp tục đóng vai trò trụ đỡ về kinh tế - xã hội của tỉnh.

Một lĩnh vực quan trọng và mang tính “đòn bẩy” cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong tương lai và phù hợp định hướng của Nghị quyết 120 là Bạc Liêu tập trung phát triển mạnh năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Trong đó, ngoài dự án điện gió Bạc Liêu 99,2MW là dự án lớn nhất nước đang vận hành trên biển, thì tỉnh đang triển khai thi công 9 dự án điện gió cả trên biển lẫn trên bờ, với tổng quy mô công suất 562MW. Đặc biệt, tỉnh đang phối hợp với nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG 3.200MW, tổng mức đầu tư 4 tỷ USD và đây dự án FDI lớn nhất của ĐBSCL tính đến thời điểm này.

Khai thác 5 "trụ cột" theo chiều sâu

Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 120 và chỉ đạo của Chính phủ, Bạc Liêu sẽ huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và tranh thủ, phát huy các nguồn nội, ngoại lực để thực hiện các đột phá và các nhiệm vụ trong tâm. Đó là tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh dựa vào 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ khai thác chiều rộng sang chiều sâu theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật, nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, ứng dụng công nghệ cao; phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường; phát triển, sử dụng hiệu quả năng lượng mặt trời, năng lượng gió phù hợp với yêu cầu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai.

Bên cạnh đó, xây dựng, thực hiện một cách hiệu quả các dự án lớn; phát triển hạ tầng đa mục tiêu: giao thông, thủy lợi, thích ứng với BĐKH… để tạo ra chuyển đổi quy mô lớn. Rà soát, xây dựng các tiêu chí xác định và đầu tư dự án, công trình ứng phó với BĐKH quy mô lớn, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh việc triển khai các chương trình, dự án đã ký kết hoặc đã phân vốn để sớm phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, quy hoạch chi tiết về đất đai, tài nguyên nước, không gian biển theo 3 vùng kinh tế sinh thái mặn, ngọt, lợ. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực; khuyến khích, thu hút đầu tư, tăng cường kết nối liên vùng với các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL.

Mặt khác, tỉnh sẽ đẩy mạnh điều tra, đánh giá, xây dựng và triển khai các giải pháp trữ nước dựa vào xu thế tự nhiên của từng địa phương nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH về hạn hán, xâm nhập mặn; phòng chống sạt lở bờ sông, xâm thực biển. Trước mắt, tăng cường các biện pháp ứng phó với tình trạng sụt lún đất và sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện đồng bộ các giải pháp. Khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu của tỉnh Bạc Liêu, trong đó tích hợp các cơ sở dữ liệu của các sở, ban ngành phục vụ công tác quản lý, định hướng, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các quyết định đầu tư…

Với những mục tiêu và giải pháp trên, Bạc Liêu sẽ góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết 120 và cùng với vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạc Liêu: Quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết 120/NQ-CP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO