Bạc Liêu: Chú trọng phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững

Lê Hùng| 13/03/2023 16:10

(TN&MT) - Tỉnh Bạc Liêu đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, từ đó góp phần nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.

a1-rung-bac-lieu.jpg
Nuôi thủy sản dưới tán rừng ven biển của tỉnh Bạc Liêu đã và đang góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của người dân địa phương

Tạo sinh kế lâu dài cho người dân

Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu có 7.778 ha rừng, trong đó hơn 4.550ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển. Với diện tích đất rừng hiện có đã và đang giúp tỉnh Bạc Liêu nâng cao năng lực bảo vệ vững chắc 56km bờ biển Đông trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xói lở đang diễn ra hàng năm; đồng thời, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho hàng trăm hộ dân địa phương.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, đồng thời cải thiện đời sống cho người dân, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không được chặt phát rừng, tích cực tham gia bảo vệ rừng, các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh Bạc Liêu còn triển khai giao khoán đất lâm nghiệp cho người dân, hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình vừa sản xuất, vừa bảo vệ rừng.

Theo Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu, nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân hiện đang sinh sống quanh khu vực ven rừng, đầu kênh, ngoài đê biển Đông thuộc huyện Hòa Bình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển tỉnh đã thực hiện giao khoán đất lâm nghiệp cho 395 hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích 3.089 ha.

Ông Vũ Đức Thịnh (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) đã nhận giao khoán 10ha đất lâm nghiệp, trong đó có 7ha đất rừng và 7ha diện tích mặt nước và bờ bao. Thời gian qua, tận dụng diện tích mặt nước, để tăng thu nhập, ông Thịnh đã thả nuôi nhiều loại loài thủy sản như tôm, cua, từ đó cuộc sống gia đình ông ngày càng khấm khá hơn.

“Trước đây gia đình tôi không có đất sản xuất, nên cuộc sống rất khó khăn. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, cuộc sống gia đình tôi ngày càng ổn định hơn nhờ thực hiện mô hình nuôi tôm, cua, cá diện tích mặt nước nhận giao khoán. Mỗi năm trừ đi các khoản chi phí, tôi còn lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Với số tiền này đủ để cho tôi trang trãi cuộc sống hàng ngày, lo cho con cái ăn học”, ông Thịnh chia sẻ.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Chiến (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hoà Bình) cũng đã nhận giao khoán 9 ha đất lâm nghiệp. “Kể từ khi nhận giao khoán đất rừng, hàng năm, gia đình tôi đều thả nuôi các loại thuỷ sản như tôm, tép, cua, cá dưới tán rừng, từ đó mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình tôi ”, ông Chiến phấn khởi nói.

a2.-rung-bac-lieu.jpg
Diện tích rừng phòng hộ của tỉnh tạo thành lá chắn vững chắc bảo vệ công trình… ven biển trước tác động thất thường do biến đổi khí hậu

Phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững

Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu, trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, công tác bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh hiện cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức do môi trường sinh thái rừng đang phải chịu tác động thường xuyên và mạnh mẽ của gió, nước biển dâng, xói lở bờ biển.

Trước thực trạng đó, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ và phát triển diện tích rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển thông qua việc kêu gọi các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội tham gia đầu tư phát triển rừng, xây dựng các khu du lịch sinh thái..., góp phần tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân; đồng thời, bảo tồn và phát triển đa dạng các hệ sinh thái ven biển.

Ông Lê Chí Linh, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu cho biết: Thời gian tới, để các chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với mô hình sinh kế trên địa bàn đạt hiệu quả, Ban Quản lý sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác trồng rừng; tổ chức đánh giá các mô hình nông - lâm kết hợp để nhận rộng ra một số xã ven biển tạo sinh kế cho người dân.

Để công tác quản lý, phát triển rừng phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương, các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh Bạc Liêu cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu thử nghiệm trồng một số loài cây bản địa có năng suất cao, cây đa tác dụng để vừa có tác dụng phòng hộ, vừa tạo ra nguồn thu nhập cho người dân địa phương.

Đồng thời, tổ chức tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng rừng, nuôi trồng thủy sản kết hợp; xây dựng mô hình trình diễn lâm - ngư kết hợp, từ đó, góp phần phát triển kinh tế, ứng phó hiệu quả với các yếu tố cực đoan của biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạc Liêu: Chú trọng phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO