Bạc Liêu: Bảo vệ chất lượng nước, giữ hệ sinh thái biển để phát triển bền vững

Hùng Long| 31/10/2020 09:55

(TN&MT) - Đây là vấn đề cốt lõi để tỉnh Bạc Liêu cũng như các địa phương ven biển miền Tây phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

  • Các cửa biển ở Bạc Liêu ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang, chống sạt lở, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.

    Dù ảnh hưởng dịch Covid - 19, từ đầu năm đến nay vẫn có 1,58 triệu lượt du khách đến tỉnh Bạc Liêu, hầu hết họ tham quan, chiêm bái hai Phật đài Quan Thế Âm Bồ Tát Mẹ Nam Hải và Mẹ Đông Hải tại bờ biển TP.Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi - mới tôn tạo những năm gần đây để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh, ngưỡng vọng cầu an cho gần 10.000 ngư dân địa phương.

Việc tôn trọng tín ngưỡng nhân dân, nhất là lực lượng chủ lực vận hành hơn 7.000 tàu, thuyền, vươn khơi, bám biển, đánh bắt thủy sản trong vùng ngư trường rộng tới 40.000km2, đem về sản lượng hàng năm trên 100.000 tấn (chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2020 đã đem về 98.536 tấn, thể hiện rõ ý chí chú trọng gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên, khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù hệ sinh thái biển, ven biển để phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu.

Cùng với việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT,  trong quá trình quy hoạch, xây dựng thủy lợi, điều tiết nguồn nước, hình thành 3 tiểu vùng sinh thái sản xuất nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đang phát huy hiệu quả canh tác ổn định không chỉ ở tiểu vùng hệ sinh thái nước ngọt mà cả tiểu vùng sinh thái mặn (trên 1.000km2)  và tiểu vùng sinh thái lợ (gần 800km2), bằng các mô hình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm.

Xu hướng canh tác hữu cơ đang được khuyến khích phát triển với mô hình nuôi tôm kết hợp trồng lúa chất lượng cao ở tiểu vùng sinh thái nước lợ.

  • "Con tôm là mặt hàng chủ lực, có ý nghĩa chiến lược phát triển của địa phương" - Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết. Tỉnh Bạc Liêu đang đẩy mạnh các biện pháp khuyến khích phát triển diện tích nuôi thủy sản trên 140.000ha, trong đó chú trọng nuôi tôm có giá trị kinh tế cao từ 3 năm gần đây.
  •  
  • Hiện nay diện tích nuôi thủy sản trên đất lúa - tôm đã có trên 37.000ha; nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp trên 75.000ha; nuôi cua và các loại thủy sản khác trên 4.300ha. Đáng chú ý, đã có hơn 22.400ha thâm canh, bán thâm canh tôm sú, tôm thẻ và hơn 1.000ha siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng. Theo đó, mối quan hệ hợp tác, liên kết phát triển vùng nuôi với công nghiệp chế biến, giao thương xuất khẩu… cũng đang được thúc đẩy phát triển theo chuỗi giá trị.

Gia đình anh Long Văn Nghĩa,  xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, một trong số hơn 200 hộ nuôi tôm siêu thâm canh trong bồn bạt nổi và ứng dụng quy trình xử lý nước thải nuôi tôm làm biogas do anh Nghĩa sáng chế.

Khảo sát mô hình này cho thấy: cơ cấu tới 80% diện tích bố trí các ao xử lý nước nuôi chem chép, cá đối,... chỉ dành 20% diện tích để làm bồn bạt nổi che nhà lưới nuôi tôm 5 vụ/2 năm, sản lượng bình quân đạt tới 200 tấn/ha/năm (cao gấp 5 lần so với các hình thức nuôi tôm truyền thống) và tỷ lệ rủi ro rất thấp.

“Xử lý nước thải là yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất bền vững. Nếu không gìn giữ được chất lượng nguồn nước mặt thì người nuôi tôm sẽ tự giết mình" - Anh Nghĩa, đúc kết.

Quy trình xử lý nước thải trong mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của anh Nghĩa đã được kiến nghị đến lãnh đạo tỉnh xem xét chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu, nhân rộng ứng dụng phổ biến cho các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 418ha và các cơ sở, doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ trên địa bàn.

Giải pháp xử lý nước thải nuôi tôm đã có tại mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong bồn bạt nổi không thay nước của anh Long Văn Nghĩa cần được nghiên cứu nhân rộng.

  •  
  • Vấn đề xử lý nước thải từ nuôi tôm đã trở thành trọng tâm để bảo vệ chất lượng nguồn nước biển, bảo vệ ngư trường, hệ sinh thái biển, ven biển đa dạng, phong phú, phát triển nuôi trồng thủy sản và duy trì cả nghề sản xuất muối truyền thống của tỉnh Bạc Liêu đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn, đang đề nghị công nhận văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Thực tiễn đã cho thấy việc bảo vệ chất lượng nguồn nước, để gìn giữ các giá trị đa dạng, phong phú của hệ sinh thái biển, ven biển, là nhiệm vụ cốt lõi để Bạc Liêu phát triển theo định hướng và bền vững.

Đây cũng chính là giải pháp của các giải pháp để tỉnh Bạc Liêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chú trọng ngành nuôi tôm, canh tác lúa chất lượng cao, thuận chiều với chủ trương khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh về năng lượng tái tạo, phát triển các nhà máy điện gió, điện mặt trời gắn với dịch vụ du lịch sinh thái.

"Chất lượng nguồn nước đã và đang là yếu tố quyết định hàng đầu trong mục đích sử dụng đất và quyết định áp dụng các mô hình canh tác, phát triển bền vững" – Luận điểm này được đúc kết từ công trình nghiên cứu khoa học về quy hoạch sử dụng tài nguyên đất và nước tại tỉnh Bạc Liêu, do PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu về BĐKH (Trường đại học Cần Thơ) cùng cộng sự thực hiện.

Tỉnh Bạc Liêu trong 5 năm gần đây, bình quân hàng năm: tổng sản lượng khai thác thủy sản trên 100.000 tấn, thủy sản nuôi trồng trên 240.000 tấn; tổng sản lượng lúa 1,1 triệu tấn; tổng sản lượng muối 170.000 tấn; tổng doanh thu du lịch ước trên 3.000 tỉ đồng; sản lượng chế biến thủy sản đạt trên 135.000 tấn, giải quyết việc làm cho 35.000 lao động.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hơn 7%/năm (thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực ĐBSCL); GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 58,43 triệu đồng (tăng gấp 1,8 lần so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống dưới 1%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạc Liêu: Bảo vệ chất lượng nước, giữ hệ sinh thái biển để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO