Xã hội

Bắc Kạn vượt chỉ tiêu giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững

Lan Chi 27/02/2024 - 14:24

(TN&MT) - Theo báo cáo rà soát sơ bộ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn, tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là hơn 18.300 hộ, chiếm 22,25%, giảm 2,46% so với năm 2022. Con số này đã vượt chỉ tiêu giảm nghèo từ 2-2,5%/năm mà Nghị quyết Đại hội tỉnh đã đề ra, đồng thời là tiền đề để Bắc Kạn làm tốt công tác này trong những năm tiếp theo.

Một số huyện đạt tỷ lệ giảm nghèo vượt chỉ tiêu

Kết quả kiểm tra tại các huyện, thành phố cho thấy, công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2023.

Các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn đã thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo, ban quản lý về công tác giảm nghèo; xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho thành viên ban chỉ đạo, ban quản lý phụ trách địa bàn xã, thôn, giúp đỡ các hộ dự kiến thoát nghèo; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo năm 2023, trong đó đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, số hộ nghèo với danh sách cụ thể; phân tích nguyên nhân nghèo để đưa ra các giải pháp thực hiện.

Một số huyện tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác giảm nghèo, công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại cấp xã như Na Rì, Ngân Sơn, Chợ Đồn, Bạch Thông, Ba Bể, Pác Nặm, thành phố Bắc Kạn; đôn đốc, chỉ đạo cấp xã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ triển khai hoàn thành kế hoạch giảm nghèo đã đề ra.

dt3-1ece3c46ad25.jpg
Đồng bào Dao Phiêng Phàng (huyện Ba Bể) trồng lúa nếp Tài hữu cơ cho năng suất vượt trội

Theo kết quả sơ bộ, một số huyện đạt tỷ lệ giảm nghèo vượt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra như huyện Na Rì, Chợ Đồn, Chợ Mới, Bạch Thông, thành phố Bắc Kạn. Điển hình, trong năm 2023, qua rà soát sơ bộ, số hộ nghèo của huyện Na Rì có trên 3.300 hộ, chiếm tỷ lệ 32,81%, giảm so với tháng 12/2022 là 3,63%; số hộ cận nghèo là 890 hộ, tỷ lệ 8,71%, tăng 0,9% so với tháng 12/2022. Qua số liệu sơ bộ, tỷ lệ giảm hộ nghèo của huyện Na Rì đã đạt chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh và của huyện giao.

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Na Rì, đối với những xã có địa bàn khó khăn cũng như kết quả bất thường, ví dụ như giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống gấp đôi hoặc chưa giảm được hộ nào, Ban Chỉ đạo của huyện đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo như phân công các thành viên của Ban Chỉ đạo trực tiếp xuống xã, cùng xã, và đến các thôn, thậm chí là đến các hộ gia đình để kiểm tra lại, chấm điểm lại.

Nỗ lực giải ngân các nguồn vốn giảm nghèo

Giai đoạn từ 2021 - 2025, từ nguồn vốn Trung ương phân bổ trên 473 tỷ đồng, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai 157 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có 10 dự án liên kết chuỗi giá trị và 147 dự án cộng đồng.

Cùng với đó, tỉnh triển khai các chính sách giảm nghèo thường xuyên gồm chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo cho học sinh con hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ về y tế, chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo; chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo hưởng thụ văn hóa thông tin; chính sách hỗ trợ nhà ở và chính sách hỗ trợ tiền điện.

Các chính sách này được triển khai đã giúp giải quyết việc làm cho hơn 21.500 lao động, số người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 1.693 người, đào tạo nghề cho hơn 14.600 người.

Theo ông Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân để họ nỗ lực vươn lên tự thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước và xã hội.

z49730093071327a9db9d37131d04cb530310fa8d31538j-cb35b5cdde29.jpg
Mô hình liên kết trồng bao tiêu quả dưa chuột bao tử tại xã Bằng Lãng (huyện Chợ Đồn) bước đầu mang lại hiệu quả

Đồng thời, phát triển thêm nhiều mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị để bà con chủ động, tích cực tham gia các mô hình này, tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập để tiến tới nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo tại chính quê hương mình.

Ngoài ra, tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng hạ tầng để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác giảm nghèo, tại một số địa phương, tỷ lệ số hộ nghèo giảm đạt được và vượt kế hoạch, tỷ lệ số hộ tái nghèo lại tăng lên. Hơn nữa, trong quá trình triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo, do năng lực của cán bộ cấp cơ sở còn hạn chế nên cũng khiến cho việc giải ngân các nguồn này còn gặp khó khăn.

Chia sẻ về những khó khăn này, ông Trịnh Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, nguyên nhân khách quan là do hệ thống văn bản hướng dẫn còn ban hành chậm; nguyên nhân chủ quan là năng lực của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, đặc biệt là cấp xã của huyện vừa thiếu vừa yếu, do vậy, quá trình tham mưu triển khai các dự án phát triển, đặc biệt là các dự án phát triển hỗ trợ sản xuất còn chậm.

Thời gian tới, các sở, ngành địa phương cần chủ động đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tiểu dự án, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường xuyên, các đơn vị, địa phương cần tận dụng tối đa nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn theo hướng dẫn của các Bộ, ngành và của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Kạn vượt chỉ tiêu giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO