Xã hội

Bắc Giang: Nhiều chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

Bảo Hà 29/02/2024 - 15:56

Trong những năm qua, công tác an sinh xã hội vẫn luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Bắc Giang quan tâm thực hiện. Đây chính là nền tảng quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đối với những đối tượng chính sách trên địa bàn. Với vai trò cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã khẳng định vai trò nòng cốt trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, làm tốt công tác an sinh xã hội.

Để hiểu hơn nội dung này, phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Trương Đức Huấn Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã Hội tỉnh Bắc Giang.

pv.png
Ông Trương Đức Huấn , Phó Giám đốc phục trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang (thứ hai từ trái qua, hàng đứng) tại Lễ Ký kết hỗ trợ gia đình người có công

PV: Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, trong những năm qua, công tác an sinh xã hội đã được các cấp các ngành quan tâm. Xin ông cho biết những kết quả đảm bảo bảo an sinh xã hội mà tỉnh Bắc Giang đã đạt được trong năm qua?

Ông Trương Đức Huấn: Xác định vai trò quan trọng của chương trình giảm nghèo bền vững, là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua, nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, các dân tộc và các nhóm dân cư. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã khẳng định vai trò rất quan trọng trong công tác giảm nghèo, làm tốt công tác an sinh xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Sở LĐ-TB&XH tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh ban hành các Chương trình, nghị quyết, kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để làm tốt công tác giảm nghèo như: Ưu tiên thực hiện các chính sách, trợ giúp người nghèo về hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế, y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm, xây dựng, sửa chữa nhà dột nát, hỗ trợ tiền điện…

Đến nay, 100% người nghèo, người cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã được cấp thẻ BHYT, hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo đã được hỗ trợ vay vốn ưu đãi; hàng chục ngàn người được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm qua đó từng bước thoát nghèo bền vững.

Năm 2021, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 24.639 hộ, chiếm tỉ lệ là 5,27%, đến cuối năm 2022, qua kết quả điều tra, tổng hộ nghèo của tỉnh là 17.946 hộ, chiếm tỷ lệ 3,81%, tương đương giảm 1,46%, đến hết năm 2023, hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn khoảng 12.558 hộ, tương đương với tỷ lệ 2,63%. Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo Sơn Động giảm 5,52%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng.

pv2.png
Cán bộ Phòng LĐTBXH huyện Sơn Động kiểm tra mô hình giảm nghèo tại xã Yên Định.

Pv: Để có được kết quả nổi bật nêu trên, Bắc Giang đã triển khai những cơ chế, chính sách để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo như thế nào, thưa ông?

Ông Trương Đức Huấn: Có thể nói, trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, quyết liệt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, để đạt được những kết quả đảm bảo an sinh xã hội như trên là do: Hệ thống văn bản pháp luật về thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội không ngừng được hoàn thiện, quy định cụ thể, chi tiết các chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành các Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ mua BHYT cho hộ cận nghèo, có mức sống trung bình; mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội được trợ cấp thường xuyên; hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ làm mới hoặc sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo v.v…

Cùng với đó là được sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên, sâu sát của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, hội đoàn thể các cấp, xem đây là nhiệm vụ chính trị của địa phương, thực hiện đảm bảo đúng đối tượng, đầy đủ, kịp thời góp phần ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh phí thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội, chính sách giảm nghèo luôn được đảm bảo trong dự toán ngân sách hàng năm, huy động thêm từ nguồn xã hội hóa từ đó góp phần thực hiện đầy đủ các chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

tu-van-tai-canh-nau.png
Sở LĐ - TB&XH quan tâm đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo thu nhập ổn định cho người dân, thoát nghèo bền vững

Pv: Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, thời gian tới Sở LĐ- TB&XH sẽ đề ra những mục tiêu như thế nào để công tác đảm bảo an sinh xã hội ngày một tốt hơn nữa? và giải pháp để thực hiện những mục tiêu đó ra sao, thưa ông?

Ông Trương Đức Huấn: Thời gian tới, Sở LĐ - TB&XH sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp ủy, chính quyền, không ngừng phát huy sức mạnh to lớn của hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức xã hội về chính sách an sinh xã hội.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đồng bộ và toàn diện các chính sách đối với người có công với Cách mạng, chính sách giảm nghèo, chính sách xã hội. Quan tâm đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo thu nhập ổn định cho người dân, thoát nghèo bền vững. Đối với hộ gia đình nghèo không có lao động thì ngoài chính sách của Nhà nước, cần quan tâm vận động cộng đồng giúp đỡ. Đồng thời, cũng phải tăng cường vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính người nghèo để họ biết tận dụng cơ hội từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cũng cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm, tiêu cực; gắn trách nhiệm quản lý của địa phương trong việc quản lý, sử dụng, lồng ghép các nguồn lực thực hiện giảm nghèo và an sinh xã hội. Gắn công tác an sinh xã hội với các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác an sinh xã hội. … góp phần nâng cao hiệu quả và độ bền vững của các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang: Nhiều chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO