Bắc Giang: Khó xử lý doanh nghiệp khi thi hành Luật Đất đai

27/10/2015 00:00

(TN&MT) - Sau hơn 1 năm Luật Đất đai đi vào cuộc sống, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tháo gỡ khó khăn cho người dân doanh nghiệp thì vẫn phát sinh nhiều vướng mắc. Không ít nhà quản lý, doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Giang lại cho rằng vẫn gặp nhiều khó khăn khi triển khai.

Theo Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang, khi triển khai thi hành, Sở còn gặp nhiều khó khăn khi áp dụng xử lý với các doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, theo quy định của điều 64, Luật Đất đai, doanh nghiệp không triển khai dự án đã được giao đất thì được đóng tiền ra hạn và thu hồi sau 24 tháng, nhưng Luật Đầu tư quy định nếu không triển khai ngay sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Hai quy định này dẫn tới, trong 24 tháng này, đất không thu hồi được ngay cả khi doanh nghiệp vi phạm một trong 2 điều của 2 Luật kể trên.

Bên cạnh đó, Luật cũng không quy định cụ thể về căn cứ pháp lý để thu hồi đất trong trường hợp phát mại tài sản trên đất và đất đã được thế chấp tại ngân hàng. Thực tế, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, có trường hợp doanh nghiệp đã thế chấp tài sản trên đất và đất tại ngân hàng. Do không trả được nợ, Ngân hàng phải phát mại tài sản thế chấp (tài sản và đất). Một doanh nghiệp đã mua thông qua đấu giá tài sản này. Tuy nhiên, không làm được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì phát mại tài sản không được quy định là một căn cứ để thu hồi đất theo quy định của luật, nên không thể thu hồi đất để giao cho người đã mua tài sản đấu giá.

Bắc Giang gặp nhiều khó khăn khi áp dụng xử lý với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Bắc Giang gặp nhiều khó khăn khi áp dụng xử lý với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Một vướng mắc khác, theo Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang cho hay, tại điểm c, Khoản 3 Điều 58 Luật đất đai 2013, một trong những điều kiện để doanh nghiệp được thuê đất để thực hiện dự án đầu tư là không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác. Để cụ thể việc này, Nghị định 43 cũng quy định căn cứ xác định vi phạm đất đai dựa trên: Kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai đối với các dự án tại địa phương được lưu trữ tại Sở TN&MT; nội dung công bố về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai và kết quả xử lý vi phạm pháp luật đất đai trên trang thông tin điện tử của Bộ TN&MT, Tổng cục Quản lý đất đai đối với các dự án thuộc địa phương khác. Thực tế quy định này gây vướng mắc khi áp dụng đối với những doanh nghiệp có những vi phạm nhỏ hay vi phạm nhưng đã khắc phục hậu quả. Chẳng hạn, một doanh nghiệp tiến hành làm thủ tục giải phóng mặt bằng trước khi hoàn thiện thủ tục lập dự án đầu tư; đã bị phạt tiền và thực hiện bổ sung các thủ tục còn thiếu. Theo quy định trên, doanh nghiệp này sẽ không được tiếp tục thuê đất cho các dự án đầu tư tiếp theo và sẽ là "thiệt thòi" cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo quy định của Nghị định 102 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và buộc nộp lại số thu lời bất hợp pháp đối với hành vi "tự ý cho thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm". Tuy nhiên, Luật đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn đều không có quy định cơ quan nhà nước mà doanh nghiệp phải xin phép khi cho thuê tài sản gắn liền trên đất, vì vậy, không có cơ sở để xác định hành vi "tự ý" nêu trên. Mặt khác, tại Khoản 2, Điều 175 Luật đất đai 2013 cũng quy định "Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất thì có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về dân sự". Cho dù trả tiền thuê đất hàng năm hay trả một lần cho cả thời hạn, tài sản gắn liền với đất được tạo lập hợp pháp thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Do đó, quy định xử phạt trên sẽ làm hạn chế quyền sở hữu của doanh nghiệp đối với tài sản của mình được ghi nhận trong Bộ luật dân sự 2005. 

Thực tế cho thấy việc các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng, văn phòng (có ngành nghề kinh doanh bất động sản) để cho các doanh nghiệp khác thuê là phổ biến. Do đó, quy định trên làm các doanh nghiệp “loay hoay”, mà các cơ quan quản lý cũng không thể xử lý việc “tự ý” này.

Tuyết Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang: Khó xử lý doanh nghiệp khi thi hành Luật Đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO