Bà Rịa - Vũng Tàu: Tập trung thanh tra, xử lý cơ sở gây ô nhiễm trong KCN

08/01/2019 12:17

(TN&MT) - Thời gian qua, các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người dân.... Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số cơ sở đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của tỉnh và sức khỏe người dân.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý môi trường trong các KCN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra đã và đang được các đơn vị chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tích cực triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Tra1
Cơ quan chức năng kiểm tra việc xử lý khí thải tại Nhà máy luyện phôi thép Pomina 3 tại KCN Phú Mỹ I, Bà Rịa - Vũng Tàu

Xử phạt nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay, địa phương này có 15 KCN được thành lập, tổng diện tích khoảng 8.510ha. Trong đó, 11 KCN được đưa vào hoạt động; 03 KCN chưa vào hoạt động; 01 KCN bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Lũy kế đến nay, tại các KCN của tỉnh có 353 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm: 225 dự án đang hạt động, 98 dự án đang triển khai xây dựng, chuẩn bị đầu tư…

Trong đó, phần lớn các KCN ở Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển sản xuất mang tính đa ngành, đa lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn có một số cơ sở chưa chấp hành nghiêm về công tác bảo vệ môi trường (BVMT), nhất là những cơ sở sản xuất có nguồn thải lớn, hoạt động ở lĩnh vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao dẫn tới tình trạng khiến kiện của người dân.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý của nhà nước, chấn chỉnh kịp thời hoạt động của các cơ sở sản xuất trong các KCN trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật đối với doanh nghiệp. Qua đó, đã phát hiện nhiều thiếu sót, sai phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý kinh tế cũng như những bất cập trong cơ chế, chính sách…

Cụ thể, từ năm 2015 đến năm 2018, Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu đã thanh tra về công tác BVMT tại 551 cơ sở sản xuất, kinh doanh; đã xử phạt cơ sở vi phạm về  BVMT với tổng số tiền là 19,661 tỷ đồng. Trong đó, các hành vi, vi phạm BVMT chủ yếu là xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn; không thực hiện báo cáo giám sát về môi trường; thực hiện không đúng nội dung cam kết trong thủ tục môi trường được phê duyệt; không thực hiện thủ tục môi trường; không lập báo cáo hoàn thành công trình, biện pháp BVMT…

Ngoài công tác thanh, kiểm tra định kỳ tất cả các lĩnh vực sản xuất trong KCN, Sở TN&MT và Tổ kiểm tra liên ngành về môi trường do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành lập tại Quyết định số 2752/QĐ-UBND ngày 29/9/2017 còn thường xuyên kiểm tra đột xuất công tác BVMT tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiêm môi trường cao như:  luyện phôi thép, sản xuất thép, hóa chất, xử lý chất thải….

Trong đó, chỉ tính riêng năm 2018, Tổ kiểm tra liên ngành của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức 92 lượt  kiểm tra, giám sát đối với 65 cơ sở  sản xuất kinh doanh; đề xuất UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phạt 02 nhà máy luyện phôi thép Pomina 2 và nhà máy Pomina 3 tại KCN Phú Mỹ với số tiền là 4,8 tỷ đồng. 

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Một trong các biện pháp quản lý môi trường không thể thiếu là xử lý vi phạm hành chính. Thanh tra, kiểm tra ngoài mục đích giáo dục, uốn nắn, chấn chỉnh các hành vi gây ô nhiễm môi trường còn kịp thời kiến nghị giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường.

Hiện nay, công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính có sự phối hợp tham gia của nhiều cơ quan và đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Tuy nhiên, công tác thanh, kiểm tra hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do hệ thống quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, ý thức của chủ chủ đầu tư về BVMT chưa cao….

Cụ thể, các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao thuộc các loại hình sản xuất hóa chất, giấy, dệt nhuộm, thép đang đầu tư trên địa bàn tỉnh đều được bố trí trong các KCN. Trong đó, sản xuất hóa chất có 04 cơ sở đang hoạt động; sản xuất giấy có 01 cơ sở đang hoạt động; sản xuất thép có 22 dự án; 11 nhà máy sản xuất thép các loại đang hoạt động; 02 nhà máy ngưng hoạt động…

Tra2
Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật BVMT của các cơ sở sản xuất trong các KCN

Tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường

Cũng theo ông Lê Ngọc Linh, chính từ chỗ tập trung nhiều nhà máy luyện thép, cán thép trong cùng KCN nên quá trình hoạt động, việc xả thải của các nhà máy cùng lúc, nhất là ban đêm, đã gây ảnh hưởng đến khu vực xung quanh, dẫn đến khiếu nại của người dân. Một số cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như cán thép, nhưng pháp luật về BVMT lại không quy định phải đầu tư hệ thống quan trắc tự động nên việc kiểm soát hoạt động xả thải, nhất là khí thải của các cơ sở gặp nhiều khó khăn, bị động, nhất là vào ban đêm và những ngày nghỉ.

Đặc biệt, ý thức của một số cơ sở chưa cao trong công tác BVMT nên thường có động thái đối phó. Thường gặp nhất là các cơ sở có xây dựng hệ thống xử lý môi trường nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành khi có đoàn kiểm tra. Ngoài ra, mặc dù các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đã được nhận diện. Tuy nhiên, pháp luật quy định hướng dẫn xây dựng và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các loại hình dự án nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường cao lại chưa làm rõ được sự khác biệt đối với các loại hình dự án khác - dự án ít có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Hơn nữa, công tác BVMT với các dự án đầu tư phần lớn được tập trung xem xét vào các giải pháp, biện pháp xử lý chất thải cho “”xử lý cuối đường ống”, trong khi đó, yêu cầu về kiểm soát các yếu tố đầu vào - so sánh lựa chọn công nghệ, thông tin về trình độ công nghệ, thiết bị, quy trình sản xuất, mức độ phát thải… đối với dự án đầu tư, nhất là đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao chưa được hướng dẫn đầy đủ, cụ thể và chi tiết. Vì vậy, đã làm giảm hiệu quả quản lý và gây khó khăn trong công tác BVMT tại địa phương.

Ông Lê Ngọc Linh cho hay: Trong năm 2019, Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các biện pháp xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm trong Quyết định số 1788/QĐ-TTg và tổng hợp các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, báo cáo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung danh mục phải xử lý triệt để đến năm 2020.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ thường xuyên giám sát việc khắc phục xử lý vi phạm của các các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trường hợp cơ sở vẫn cố tình tái phạm sẽ áp dụng xử phạt mới. Trong đó, không ngoại trừ trường hợp cấm hoạt động đối với cơ sở vẫn tồn tại hành vi vi phạm môi trường nghiêm trọng.

Để kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy định pháp luật trong BVMT đối với KCN, không để phát sinh những sự cố, điểm “nóng” về môi trường; Sở TN&MT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải nước thải của các chủ đầu tư trong KCN để kịp thời chấn chỉnh, xử lý hành vi xả thải nước thải chưa đạt quy chuẩn ra môi trường. Đồng thời, sẽ xem xét chặt chẽ, lựa chọn, không thu hút đầu tư các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép đầu tư các dự án thứ cấp trong các KCN.

Ngoài ra, Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị, hội thảo tập huấn, khóa đào tạo nghiệp vụ về BVMT cho các ngành, địa phương và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh; triển khai Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 23/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về công tác quản lý, BVMT đến tất cả các cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa - Vũng Tàu: Tập trung thanh tra, xử lý cơ sở gây ô nhiễm trong KCN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO