Bà Rịa – Vũng Tàu: Tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai

Linh Nga| 10/09/2020 22:20

(TN&MT) – Thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu luôn chú trọng tới công tác đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, phục vụ công tác quản lý Nhà nước, đáp ứng các nhu cầu của tổ chức, người dân và doanh nghiệp một cách khách quan, minh bạch các thông tin, cơ chế chính sách liên quan đến đất đai.

Công tác quản lý đất đai theo công nghệ số kịp thời giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai

 Nhiều kết quả nổi bật

Theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thời gian qua, tình hình quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có những chuyển biến tích cực, quỹ đất đai đã được xác định và quản lý chặt chẽ; các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai đã được hạn chế. Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác do đạc, bản đồ và cơ sở dữ liệu địa chính, góp phần làm đơn giàn hóa, minh bạch hóa các thủ tục hành chính về đất đai.

Bên cạnh đó, Sở còn tích cực triển khai Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo đó, đến nay, đã triển khai chuẩn hóa hoàn thiện hệ thống bản đồ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính được 49/82 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó hoàn thành 5 đơn vị hành chính cấp huyện (huyện Long Điền 7/7 đơn vị hành chính cấp xã; thành phố Vũng Tàu 17/17 đơn vị hành chính cấp xã; thành phố Bà Rịa 11/11 đơn vị hành chính cấp xã; Thị xã Phú Mỹ 10/10 đơn vị hành chính cấp xã; huyện Côn Đảo 1/1 đơn vị hành chính cấp huyện; huyện Châu Đức 01/16 đơn vị hành chính cấp xã; huyện Đất Đỏ 01/8 đơn vị hành chính cấp xã; huyện Xuyên Mộc 2/13 đơn vị hành chính cấp xã), đạt tỷ lệ 60% trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã phải xây dựng Cơ sở dữ liệu địa chính cơ sở dữ liệu địa chính. Tổ chức vận hành phần mềm Vilis để quản lý, cập nhật Cơ sở dữ liệu địa chính cho 49 đơn vị hành chính cấp xã nêu trên; cung cấp 390 tài khoản cho các phòng, đơn vị trực thuộc để phục vụ tác nghiệp chuyên môn. Dự kiến đến hết năm 2020, sẽ nâng tỷ lệ này lên 80% và hoàn thành công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai vào cuối năm 2021 để đáp ứng công tác quản lý đất đai theo công nghệ số cũng như kịp thời giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai.

Ngoài ra, Sở TN&MT cũng đã triển khai vận hành, sử dụng và khai thác cập nhật cơ sở dữ liệu địa chính cũng như luân chuyển hồ sơ pháp lý dạng số và in giấy chứng nhận trên phần mềm VILIS theo mô hình tập trung tại cơ sở dữ liệu địa chính đặt tại máy chủ của Sở TN&MT. Theo đó, Sở TN&MT đã vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc cấp giấy chứng nhận, đăng ký biến động, tăng cường triển khai thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin đất đai và dịch vụ chuyển phát hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai từ Văn phòng Đăng ký đất đai đến các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, nâng tỷ lệ giải quyết đúng hạn đối với hồ sơ hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của Sở TN&MT.

Tính đến tháng 8/2020, diện tích cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lũy tiến của Bà Rịa – Vũng Tàu là 170.729,12/173.093,46 ha, đạt tỷ lệ 98,63% (cao hơn so với chỉ tiêu đề ra tại Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 21/3/2016 của UBND tỉnh là 97% diện tích đất cần cấp). Trong đó: Diện tích đất đã cấp cho các tổ chức sử dụng là: 68.819,11 ha, đạt tỷ lệ 99,33% tổng diện tích đất cần cấp giấy; diện tích đất đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là 101.910,01 ha, đạt tỷ lệ 98,17% tổng diện tích đất cần cấp giấy.

Quỹ đất công trên địa bàn tỉnh đã được xác định và bàn giao cho các địa phương quản lý, khai thác

Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc

Cũng theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực,  song thời gian qua, công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, đối với việc kê khai đăng ký cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đạt tỷ lệ thấp do chủ sử dụng đất đã có Giấy chứng nhận nên không quan tâm phối hợp trong công tác kê khai đăng ký; Các trường hợp kê khai đăng ký cấp đổi diện tích đất chênh lệch lớn, hình thể, ranh thửa biến động nhiều,... cần lồng ghép xử lý, xác minh rõ từng trường hợp ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình, quá trình xét cấp đổi đạt tỷ lệ rất thấp.

Bên cạnh đó, khối lượng hồ sơ phát sinh trong khoảng thời gian các đơn vị thi công thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đến khi vận hành chính thức chưa được cập nhật biến động kịp thời vào cơ sở dữ liệu, gây khó khăn trong công tác vận hành cơ sở dữ liệu; Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng kết nối tại Văn phòng Đăng ký Đất đai và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai chưa đồng bộ cần được nâng cấp để đảm bảo việc truyền tải dữ liệu kịp thời, an toàn, bảo mật thông tin, nhằm đảm bảo chất lượng nguồn thông tin được khai thác, sử dụng chính xác, nhanh chóng và kịp thời.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, các nhóm dữ liệu thuộc tính như dữ liệu giao dịch đảm bảo, ngăn chặn, thông tin nghĩa vụ tài chính, và thông tin lịch sử biến động thời điểm kê khai đăng ký chưa được cập nhật đầy đủ gây khó khăn trong việc triển khai vận hành cơ sở dữ liệu vì khi thực hiện thụ lý hồ sơ trong qui trình phải đối chứng, kiểm tra với hồ sơ nguồn gốc, dữ liệu lịch sử của thửa đất.

Việc ứng dụng phần mềm VILIS đối với các huyện đã được nghiệm thu cơ sở dữ liệu: phần mềm chưa kết xuất được các biểu mẫu, tờ trình, phiếu phẩm tra hồ sơ và báo cáo theo qui định gây chậm trễ mất thời gian trong xử lý hồ sơ thủ tục hành chính do phải sử dụng thêm phần mềm khác để lập tờ trình, phiếu chuyển… Khi triển khai công tác vận hành cơ sở dữ liệu địa chính và ứng dụng Công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ công việc tại các địa phương chưa hoàn thiện công tác xây dựng cơ sở dữ liệu phát sinh thêm khối lượng công việc cho các bộ phận do vừa phải cập nhật hồ sơ địa chính dạng giấy và dạng số song song (cập nhập dữ liệu thuộc tính, cập nhật dữ liệu không gian, sao chụp hồ sơ để cập nhật dữ liệu hồ sơ quét lưu trữ vào cơ sở dữ liệu đồng thời phải cập nhật hồ sơ địa chính giấy) gây vướng mắc và kéo dài thời gian cho việc xử lý hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai….

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, thời gian tới, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục hoàn thiện hệ thống bản đồ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn các xã, phường, thị trấn còn lại; đồng bộ phần mềm liên thông thuế trong xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai giữa Văn phòng Đăng ký đất đai với Cục Thuế tỉnh; đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin một cách hiện đại, chất lượng cho hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai; tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chính sách của Nhà nước về đất đai để người dân tham gia tích cực hơn trong quá trình đo đạc lập bản đồ địa chính…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa – Vũng Tàu: Tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO