Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều khó khăn trong xử lý “điểm nóng” môi trường

Linh Nga| 29/11/2019 18:30

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện, khắc phục các “điểm nóng” về môi trường nên kết quả mang lại rất khả quan. Tuy nhiên, để xử lý triệt để các “điểm nóng” này thì Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đang còn gặp rất nhiều khó khăn.

Khu vực sông Cửa Lấp thuộc huyện Long Điền bị ô nhiễm môi trường nhiều năm do tình trạng xả thải chưa qua xử lý của các cơ sở chế biến hải sản

Nhiều kết quả khả quan

Theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT), ngày 17/4/2019, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch số 54 về việc thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện, khắc phục ô nhiễm tại các “điểm nóng” về môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2019.

Theo đó, năm 2019, Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định được 06 “điểm nóng” về môi trường cần triển khai ngay các giải pháp để phòng ngừa, cải thiện và khắc phục, bao gồm: Bảo vệ chất lượng nguồn nước các hồ cấp nước sinh hoạt; hoạt động của các trang trại, cơ sở, hộ chăn nuôi heo; hoạt động của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, của các nhà máy luyện, cán thép tại KCN Phú Mỹ I, II; hoạt động chế biến hải sản khu vực Cửa Lấp, khu vực Tân Hải.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Để thực hiện tốt Kế hoạch số 54 về việc thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện, khắc phục ô nhiễm tại các “điểm nóng”  về môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2019, thời gian qua, Sở TN&MT đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan, địa phương triển khai nhiều giải pháp, theo đó kết quả mang lại rất khả quan.

Cụ thể, đối với việc bảo vệ chất lượng nguồn nước các hồ cấp nước sinh hoạt, đã kiểm soát chặt chẽ được hầu hết các nguồn thải có nguy cơ gây ảnh hưởng đến các hồ cấp nước như: các cơ sở chăn nuôi thượng nguồn các hồ cấp nước tại huyện Châu Đức và Xuyên Mộc; công tác quan trắc, giám sát chất lượng môi trường các hồ chứa nước được quan tâm; chất lượng nước sinh hoạt tại các nhà máy cấp nước hồ Đá Đen, Châu Pha, Sông Ray, Sông Hỏa… bảo đảm quy chuẩn chất lượng nước cấp sinh hoạt.

Đối với hoạt động của các trang trại, cơ sở, hộ chăn nuôi heo cũng đã đi vào nề nếp hơn. Theo đó, 23 trại nuôi heo cấp tỉnh quản lý đã được kiểm soát rất chặt chẽ. Đến nay, có 21/23 trại đã có thủ tục về môi trường, 19/23 trại có hệ thống xử lý nước thải sau biogas, 8/23 trại có giấy phép xả thải. Đối với 1.136 trại nuôi heo cấp huyện quản lý, cũng đã được các địa phương kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải.

Bên cạnh đó, đối với hoạt động của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, đã kịp thời phối hợp với Tổng cục Môi trường thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm về xả thải; phối hợp với các chuyên gia khảo sát, đánh giá xác định nguyên nhân phát sinh mùi hôi và đã có đề xuất UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về giải pháp thay đổi công nghệ và các công trình bảo vệ môi trường của các nhà máy.

Còn hoạt động chế biến bải sản khu vực Cửa Lấp, đến nay, tất cả 33 cơ sở cấp tỉnh quản lý đều có hệ thống xử lý nước thải. Phối hợp với các cơ quan, chuyên gia môi trường khảo sát, để đề xuất giải pháp khắc phục ô nhiễm khu vực xung quanh Trường Mầm non Cỏ May, trong đó giải pháp trọng tâm là di dời các cơ sở chế biến hải sản đang hoạt động tại khu vực Phước Cơ về khu chế biến hải sản tập trung.

Ngoài ra, đối với hoạt động chế biến hải sản khu vực Tân Hải và cống số 6, việc thực hiện Đề án cải tạo, khắc phục môi trường đầm chứa nước trước Cống số 6 đã góp phần cải thiện rõ rết chất lượng đầm nước, đến nay, đã thu gom lượng bùn dưới dầm lên các ô chứa đạt 85%, nguồn nước không còn gây tác động đến hoạt động nuôi thủy sản đối với sông Chà Và.

Mặt khác, áp dụng triển khai thí điểm giải pháp xử lý mùi hôi tại nhà máy chế biến bột cá theo công nghệ Nhật Bản đã mang lại kết quả tốt, mô hình này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang theo dõi và có thể cho áp dụng rộng rãi đối với các cơ sở sản xuất bột cả trên địa bàn toàn tỉnh. Còn hoạt động của các nhà máy luyện, cán thép tại KCN Phú Mỹ I, II đã và đang được giám sát công tác BVMT chặt chẽ.

Công nghệ xử lý mùi hôi của các nhà máy trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên chưa được cải tiến nên còn phát sinh mùi hôi làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mặc dù, kết quả của việc triển khai giải pháp cải thiện, khắc phục các “điểm nóng” về  môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian qua đã mang lại kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, ở cả 6  “điểm nóng” về môi trường nêu trên đều xảy ra những tồn tại, do đó đến nay chưa “điểm nóng” nào được xử lý triệt để.

Nguyên nhân chính là do công tác thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, đề án, dự án về BVMT của một số ngành, địa phương chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, thiếu tính phối hợp. Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ, đề án xử lý ô nhiễm môi trường đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, tuy nhiên nguồn kính phí chưa đáp ứng nên việc cải thiện, khắc phục ô nhiễm tại một số khu vực còn chậm, chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Cụ thể, công tác bảo vệ các hồ chứa nước là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng với tần suất quan trắc định kỳ như hiện nay tại 03 trạm quan trắc tự động tại hồ Đá Đen, Sông Ray, Sông Hỏa chưa thể đáp ứng được yêu cầu thu thập dữ liệu quan trắc đầy đủ, cho phép phân tích, đánh giá thông tin kip thời và chính xác về phản ánh chất lượng môi trường nước trong hồ.  

Bên cạnh đó, hoạt động trồng trọt, sản xuất nông nghiệp khu vực xung quanh các hồ cấp nước chưa được đánh giá, kiểm soát, nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học quá liều lượng không kiểm soát được. Đây là nguồn có nguy cơ gây tác hại lâu dài khó kiểm soát được đối với môi trường.

Cũng theo ông Đặng Sơn Hải, để khắc phục ô nhiễm môi trường đối với “điểm nóng” môi trường do hoạt động của các trang trại, cơ sở, hộ chăn nuôi heo, tháng 3/2019, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Đề án di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi ngoài quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2019 - 2021.

Tuy nhiên, từ quý II/2019 đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi có diễn biến phức tạp, các ngành chức năng đã tập trung nguồn lực để phòng chống dịch nên đã làm ảnh hưởng đến tiện độ và nguồn lực đầu tư xử lý nước thải của một số trang trại; đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát tại các trại heo chưa thể triển khai thực hiện theo kế hoạch.

Còn đối với việc khắc phục “điểm nóng” môi trường do hoạt động của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hiện nay, Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nên việc kiểm sát hoạt động xả thải của các nhà máy còn gặp khó khăn.

Theo nhận định của các chuyên gia khoa học, nguyên nhân phát sinh mùi hôi, mùi khét tại khu vực trên là do dây chuyền, thiết bị càu các nhà máy lắp ráp trong nước có thời gian hoạt động đã lâu, phần lớn đều trên 8 năm nên đã bị xuống cấp, công nghệ xử lý chưa được đầu tư, cải tiến so với thời điểm đầu tư ban đầu nên hiệu quả xử lý thấp. Để khắc phục được việc này thì phải có thời gian rà soát, đánh giá và yêu cầu các nhà máy cải tạo thay thế thiết bị phù hợp.

Còn đối với việc khắc phục “điểm nóng” môi trường do hoạt động của các nhà máy luyện, cán thép tại KCN Phú Mỹ I, II tại thị xã Phú Mỹ cũng đang còn rất nhiều tồn tại. Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết các nhà máy hoạt động hết công suất vào ban đêm vì chi phí điện thấp nên việc kiểm soát hoạt động xả thải gặp khó khăn và bị động; hầu hết các nhà máy luyện, cán thép tập trung tại KCN Phú Mỹ I, nhưng khu vực cách ly giữa KCN và khu dân cư chưa được thực hiện theo quy hoạch nên hoạt động sản xuất của các nhà máy từ KCN tác động đến khu dân cư là điều khó tránh khỏi.

Ngoài ra, do hạ tầng khu chế biến hải sản tập trung tại Lộc An và Long Điền chậm hoàn thành dẫn đến việc di dời các nhà máy, các cơ sở chế biến hải sản ở khu vực Tân Hải, thị Xã Phú Mỹ và khu vực Cửa Lấp, huyện Long Điền chưa được thực hiện theo chủ trương của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tình trạng vi phạm xả thải nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở chế biến hải sản, nhất là các cơ sở quy mô nhỏ, hộ gia đình vẫn còn diễn ra. Do đó, để cải thiện, khắc phục “điểm nóng” môi trường đối với hoạt động này thì hiện vẫn cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và địa phương.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều khó khăn trong xử lý “điểm nóng” môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO