Bà Rịa – Vũng Tàu: Mỏ đá "hành" dân

04/07/2016 00:00

(TN&MT) - Hệ lụy từ việc khai thác đá là không chỉ làm xáo trộn sinh hoạt cuộc sống của bà con địa phương mà nó cũng chất chứa nhiều nguy hại đối với môi trường...

 

(TN&MT) - Nhiều năm trở lại đây, số lượng mỏ đá ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) không ngừng tăng lên theo thời gian. Hệ lụy từ việc khai thác đá là không chỉ làm xáo trộn đời sống sinh hoạt của bà con nơi đây mà nó cũng chất chứa nhiều nguy hại đối với môi trường và sức khỏe của người dân địa phương.

: Người dân phản ánh bụi đá ở xã Châu Pha làm ảnh hưởng tới việc sản xuất
: Người dân phản ánh bụi đá ở xã Châu Pha làm ảnh hưởng tới việc sản xuất

Bị tiếng nổ “tra tấn”

Các hộ dân sống xung quanh khu vực Núi Sò (thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức, tỉnh BR-VT) phản ánh, thời gian gần đây, do hoạt động khai thác đá gần nhà, họ bị chấn động bởi những tiếng nổ như bom phát ra từ mỏ đá. Chưa hết bàng hoàng về tiếng nổ lớn, người dân càng lo lắng hơn khi phát hiện tường nhà, móng nhà xuất hiện những vết nứt lớn. Bức xúc, người dân đã nhiều lần báo lên cơ quan chức năng để yêu cầu được giải quyết.

Bà Bùi Thị Thu, một hộ dân sống dưới chân Núi Sò cho biết, có hôm mỏ đá nổ mìn, khi đó bà cùng một số hàng xóm đang ngồi uống nước tại bàn đá, bỗng dưng nghe một tiếng nổ chát chúa, đồ vật trong nhà như rung lên, những người ngồi uống nước choáng váng mặt mày, cuống cuồng chạy ra bên ngoài vì sợ nhà sập. Tiếp đến bà Thu vào bên trong nhà nấu ăn trưa thì phát hiện tường nhà bị nứt nhiều chỗ. Hiện vợ chồng bà Thu đã lớn tuổi, những tiếng nổ lớn như vậy khiến vợ chồng bà mất ăn mất ngủ.

Cách nhà Bà Thu chừng mươi bước chân, anh Cao Đăng Phong cho hay: “Nhà em mới làm xong, mới sơn sửa lại, sau mấy lần mỏ đá nổ mìn, tường nhà em bắt đầu xuất hiện vết nứt ngang nứt dọc, có chỗ hở đến cả cm. Nhà có cháu nhỏ, mỗi lần nghe tiếng nổ, vợ chồng em bế bồng con chạy ra khỏi nhà vì sợ nó sập xuống lúc nào không hay”.

Nghiêm trọng nhất là trường hợp của anh Cao Đăng Phê. Anh Phê cho biết nhà anh chỉ cách mỏ đá khoảng hơn 200m, chính vì vậy, mỗi khi nổ mìn phá đá, nhà của anh bị rung, nứt tường, nứt móng và ảnh hường tới sức khỏe của mọi người trong gia đình. Hiện anh kiến nghị chủ đầu tư thu hồi diện tích đất anh đang ở và bồi thường chi phí hoa màu cây cối theo quy định của pháp luật để anh di chuyển đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống.

Điều khiến người dân bức xúc hơn nữa là trước khi nổ mìn phá đá, họ không hề nhận được thông báo hay tín hiệu gì cả, tất cả diễn ra một cách bất chợt khiến mọi người choáng váng vì không có sự chuẩn bị. Theo quan sát của phóng viên, có hàng chục hộ dân sinh sống xung quanh khu vực này, nhà của người dân chỉ cách mỏ đá vài ba trăm mét, và hầu hết là nhà cấp 4.

 Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mỏ đá puzolan núi Sò (xã Suối Rao) do Công ty TNHH khoáng sản Hiệp Lực (trụ sở tại thôn 1, xã Suối Rao) làm chủ đầu tư, khai thác. Ngày 22/1/2013, công ty được UBND tỉnh BR-VT cấp giấy chứng nhận đầu tư, công suất 1 triệu tấn/năm. Mục tiêu của dự án là khai thác đá puzolan làm phụ gia cho sản xuất xi măng và đá xây dựng. Diện tích khai thác khoảng 70ha. Ngày 7/11/2013, Bộ TN-MT cấp giấy phép khoáng sản cho Công ty TNHH khoáng sản Hiệp Lực khai thác đá puzolan và đá bazan bằng phương pháp lộ thiên tại núi Sò. Thời gian khai thác là 24 năm.

Khu dân cư mịt mù bụi

Tại một huyện khác của tỉnh BR-VT, men theo con đường ghập ghềnh hướng từ xã Tân Hưng (TP Bà Rịa) về xã Châu Pha (huyện Tân Thành), chúng tôi bắt gặp những đoàn xe tải khổng lồ chất đầy đá lao đi vun vút. Châu Pha nổi tiếng với bụi đường, lún đường bởi ở đây có tất thảy hơn chục mỏ đá lớn, nhỏ đang hoạt động. Mỗi đợt xe qua là một đợt bụi lao tới, người tham gia giao thông dạt hết sang hai bên lề, mắt nhắm mắt mở vì bụi mịt mù. Nhìn đoàn học sinh mới tan lớp ùa ra khỏi cổng, hòa vào vào những đoàn xe chở đá mà chúng tôi không khỏi lo lắng về vấn đề an toàn giao thông.

 Không chỉ có thế, cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây cũng gặp nhiều xáo trộn từ khi các mỏ đá bắt đầu xuất hiện. Bà Lê Thị Chuông (tổ 6, thôn Tân Sơn, xã Châu Pha) cho biết, nhà bà cách mỏ đá chưa tới 200m. Mấy năm nay hầu ngày nào gia đình cũng bị “tra tấn” bởi tiếng ồn từ những chiếc máy đào, nghiền đá. Mảnh vườn 0,5ha trồng xoài, mít là nguồn nuôi sống của gia đình bà Chuông mấy chục năm nay, thế nhưng gần đây, bụi đá cũng khiến cấy cối trong vườn ít đâm hoa kết trái, tiền thu hoạch cũng chẳng được là bao.

Hàng xóm của bà Chuông là ông Trần Văn Nguyên (67 tuổi), cũng có nỗi khổ chung như nhà bà Chuông. Sinh sống tại mảnh đất này hàng chục năm, nhưng vừa qua ông Nguyên cũng rời bỏ vườn tược và căn nhà bé nhỏ, dắt vợ ra ở chung với cậu con trai cách đó vài trăm mét. “Mùa nắng thì bụi mù mịt trời, mùa màng không làm ăn được gì, tiếng ồn thì khỏi phải nói, suốt cả ngày đinh tai nhức óc” - ông Nguyên nói.

Đến nhà chị Châu Thị Mẫn, chúng tôi được biết gia đình chị cũng là nạn nhân của tiếng ồn và bụi. Nhà ở ngay gần mặt đường, mấy năm trước chị cũng mở cái quán nước nho nhỏ để kiếm đồng ra đồng vào, thêm mớ rau cỏ phụ với chồng. Ấy vậy nhưng chẳng được bao lâu, bụi bay mù mịt khiến đồ hàng của chị chẳng thể trưng ra ngoài, hàng hóa ế ẩm vắng khách, chị đành dẹp tiệm. Trong nhà lúc nào cũng đóng kín cửa, thế nhưng bụi vẫn cứ len lỏi bám lên đồ vật bên trong, việc lau chùi vệ sinh cũng vất vả không kém. Mấy đứa trẻ trong nhà chị bị cảm, ho, viêm đường hô hấp thường xuyên vì hàng ngày hít bụi.

Ông Trần Văn Nguyên (xã Châu Pha, huyện Tân Thành) rời bỏ căn nhà và khu vườn vì ảnh hưởng của bụi đá
Ông Trần Văn Nguyên (xã Châu Pha, huyện Tân Thành) rời bỏ căn nhà và khu vườn vì ảnh hưởng của bụi đá

Cần có giải pháp triệt để

Trong tháng 6/2016, đoàn khảo sát của HĐND tỉnh BR-VT do ông Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra tại mỏ đá puzolan núi Sò. Tại buổi kiểm tra, đoàn ghi nhận trong quá trình khai thác đá gây ra bụi, tiếng ồn làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. đoàn đề nghị Công ty TNHH khoáng sản Hiệp Lực nhanh chóng có biện pháp khắc phục và tạo điều kiện hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại, đồng thời phải thực hiện đúng quy định pháp luật về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường để không xảy ra mất an toàn lao động, gây nguy hiểm tới tính mạng của người dân trong quá trình khai thác đá. Còn với việc khai thác đá của các doanh nghiệp ở huyện Tân Thành, ông Nguyễn Xuân Khải, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Tân Thành cho biết, phương án di dời các hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của việc khai thác đá là giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, để sớm thực hiện phương án này, giữa người dân và doanh nghiệp nên cố gắng tìm được tiếng nói chung.

                                                                   Bài & ảnh: Thục Vy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa – Vũng Tàu: Mỏ đá "hành" dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO