Bà Rịa - Vũng Tàu: Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cả hệ thống chính trị

20/04/2018 12:43

(TN&MT) - Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Tuấn Quốc,...

(TN&MT) - Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT tại Hội nghị triển khai Chỉ thị số 27-CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về công tác quản lý, BVMT diễn ra tại TP. Bà Rịa ngày 19/4. 
 
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh… và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy BR-VT. Đặc biệt, hội nghị có sự tham gia của hơn 600 đại biểu đại diện cho các sở, ngành, địa phương, các DN sản xuất trong các lĩnh vực thép, xử lý bụi lò, chế biến hải sản, du lịch...
 

Bảo vệ môi trường


Nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
 
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, những năm qua, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh luôn được tỉnh BR-VT quan tâm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác BVMT của tỉnh vẫn còn nhiềuhạn chế. Cụ thể, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra nhiều ở các hoạt động chăn nuôi; giết mổ gia súc, gia cầm; chế biến hải sản; sản xuất luyện, cán thép; chất thải rắn sinh hoạt tại một số khu vực nông thôn, các khu chôn lấp tạm chưa được thu gom, xử lý hợp vệ sinh; nhiều hồ chứa nước bị có nguy cơ bị ô nhiễm... Đặc biệt, một số khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như kênh Bến Đình, Cửa Lấp, ao Hải Hà... chưa được khắc phục. 
 
Ô nhiễm môi trường không chỉ là vấn đề nóng bỏng ở đô thị, mà ngay tại các khu dân ở khu vực nông thôn tình trạng này cũng rất đáng báo động, chủ yếu do hoạt động khai thác khoáng sản và chăn nuôi gây nên. Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Thanh Minh, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc có 59 trang trại chăn nuôi tập trung theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp. Trong đó, 35 trang trại chăn nuôi heo (tổng đàn gần 70 ngàn con) và 24 trang trại chăn nuôi gà (tổng đàn 263 ngàn con) và hàng trăm hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Bên cạnh những trang trại thực hiện tốt công tác BVMT, một số trang trại đã xả nước thải chưa xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.
 

bao ve moi truong 2


Theo số liệu của Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường tỉnh trong 2 năm gần đây (năm 2016 - 2017), mức độ ô nhiễm từ chất lượng nước của các con sông đến các hồ cấp nước sinh hoạt, hồ thủy lợi đều bị ô nhiễm. Tại các cảng cá, mức độ ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn. Cụ thể, chất lượng nước mặt ở các khu vực thượng nguồn đổ vào hồ sông Ray đã bị ô nhiễm Fe, TSS, N-NH4, PO4, vi sinh, Ecoli, Xyanua CN… Môi trường không khí xung quanh các bãi rác khu chôn lấp chất thải ở Tóc Tiên, Bưng Riềng, Láng Dài cũng bị ô nhiễm khí NH3
 
Nguyên nhân hạn chế nêu trên đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ ra  tại Chỉ thị số 27-CT/TU, chủ yếu là do: nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, DN và người dân về công tác BVMT còn hạn chế; Tư duy coi trọng tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ BVMT vẫn còn phổ biến; chưa coi trọng và phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng và người dân; Công tác quản lý nhà nước về môi trường của các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, chưa thực hiện hết trách nhiệm theo quy định... 
 
Phát triển kinh tế phải gắn với BVMT
 
Đồng chí Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trước thực tế trên, một trong những chủ trương quan trọng nhất của tỉnh là BVMT phải gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế theo hướng bền vững; thu hút các dự án đầu tư thân thiện với môi trường, kiên quyết không thu hút các dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường.
 
Tại hội nghị, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp của các đơn vị, sở, ngành DN thể hiện quyết tâm trong việc BVMT. Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ - Chủ đầu tư KCN Phú Mỹ 3 cho biết, ngay từ khi bắt đầu quy hoạch, KCN Phú Mỹ 3 đã được tỉnh BR-VT lựa chọn để phát triển thành KCN đặc biệt, thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản. Do đó, KCN xây dựng hạ tầng theo hướng đạt chuẩn quốc tế, trong đó khâu xử lý nước thải được công ty đặc biệt coi trọng. Do đó, từ năm 2012, Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ đã chuyển đổi tiêu chuẩn của nhà máy xử lý nước thải từ cột B sang cột A theo QCVN 40:2011/BTNMT của Bộ TN-MT. “Việc quan tâm đầu tư này nhằm hướng đến mục tiêu chung của tỉnh đó là phát triển kinh tế theo hướng bền vững, BVMT vì cộng đồng và xã hội”, bà Nhi nhấn mạnh.
 

bao ve moi truong 3


Còn theo ông Huỳnh Sơn Thái, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 29 hồ chứa nước trong đó hiện nay UBND tỉnh đã phê duyệt phương án bảo vệ công trình 5 hồ chưa nước bao gồm các hồ: Suối Giàu, Đá Bàng, Tầm Bó, Lồ Ô và Đá Đen. Ngoài ra, Sở cũng đã lập phương án bảo vệ nguồn nước đối với 7 hồ chứa; thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh. Ngoài các giải pháp trên, để BVMT các hồ chứa nước, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh có chủ trương di dời các trang trại chăn nuôi không đạt tiêu chuẩn xử lý chất thải vào khu chăn nuôi tập trung của tỉnh; di dời các trại chăn nuôi nằm trong lưu vực các hồ chứa nước sinh hoạt… 
 
Về khu xử lý chất thải tập trung 100ha Tóc Tiên, ông Phan Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm quản lý các khu xử lý chất thải tỉnh cho rằng, tỉnh cần phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bố trí lại các dự án trong khu xử lý này để tiến tới chấm dứt việc đưa chất thải ngoài tỉnh về đây để xử lý.
 
Trước những vấn đề về môi trường bức xúc như đã nêu, phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, những vấn đề nêu trên nếu không có giải pháp triển khai quyết liệt, đồng bộ sẽ là lực cản lớn đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và để lại những hậu quả rất khó khắc phục sau này. Do đó, BVMT là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách cần có sự vào cuộc của chính quyền, người dân và DN. Bên cạnh các giải pháp mà Chỉ thị 27-CT/TU đã nêu, đồng chí Trần Đình Khoa cũng đóng góp một số biện pháp như: Cần phải xây dựng bộ tiêu chí về môi trường đối với các địa phương để giúp các cơ quan BVMT có thêm công cụ đánh giá mức độ thực hiện quy định về BVMT. Đối với các xã nông thôn NTM phải hoàn thành 5 nội dung về BVMT. Đối với các cơ sở chăn nuôi quy mô dưới 50 con nằm trong khu dân cư, cần hướng dẫn và hỗ trợ người dân xây hầm biogas… Riêng đối với các hồ cấp nước, phải gắn trách nhiệm cho từng địa phương. 
 
Với sự đồng thuận cao, huy động toàn xã hội cùng tham gia vào công tác BVMT, tỉnh BR-VT đặt mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng bền vững, BVMT; chất lượng môi trường sống ngày càng được nâng cao và để BR-VT trở thành nơi đáng sống. 
 

Chỉ thị số 27-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy BR-VT nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, bảo đảm phát triển của tỉnh theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Sau hội nghị, UBND tỉnh sẽ ban hành kế hoạch hành động BVMT với tổng cộng 73 đầu việc trong đó tập trung triển khai 10 nhiệm vụ chủ yếu như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, DN; thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường theo chỉ thị 43; bảo vệ nghiêm ngặt các hồ cấp nước; khắc phục ô nhiễm; tổ chức phân loại chất thải rắn tại nguồn; không nhập chất thải về tỉnh xử lý; quy hoạch chăn nuôi; hoàn thành các khu chế biến hải sản tập trung; nâng cao công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thực hiện kế hoạch trồng rừng… 
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa - Vũng Tàu: Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cả hệ thống chính trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO