Bà con vùng cao Thừa Thiên – Huế loay hoay với bài toán giảm nghèo

Văn Dinh| 21/02/2023 14:17

Với nhiều xã vùng cao của huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế), câu chuyện thoát nghèo vẫn là bài toán chưa có lời giải, đời sống của người dân ở vẫn nhiều cơ cực, thiếu thốn. Để công tác giảm nghèo thực sự bền vững, A Lưới còn rất nhiều việc phải làm một cách đúng đắn và phù hợp, qua đó sớm thoát ra khỏi một trong các huyện nghèo nhất cả nước.

Cái nghèo đeo bám

Sống trên mảnh đất A Lưới gần cả đời người, gia đình ông Nguyễn Văn Năm (59 tuổi, thôn A Tin, xã Lâm Đớt) vẫn thưa thể thoát khỏi cái nghèo, thậm chí càng ngày càng nghèo hơn. Trong căn nhà xập xệ, ông Năm chia sẻ rằng gia đình đã là hộ nghèo suốt 23 năm qua, bản thân ông bị nhiễm chất độc màu da cam nên không thể làm việc, 2 đứa con gái lớn tuổi đã lấy chồng trong khi đứa con trai út thường xuyên đau ốm, vợ ông Năm thì chỉ làm ít sào ruộng để có gạo mà ăn. Suốt một thời gian dài, gia đình sống “bám” vào tiền hỗ trợ của nhà nước chưa tới 1 triệu đồng/tháng.

“Nhà tôi có chưa được một hecta đất, có lần tôi trồng keo tràm suốt cả hơn 5 năm mới thu hoạch, mà có được vài triệu đồng mà thôi, giờ đất đó không làm gì cả. Thật sự cuộc sống quá khó khăn, miếng ăn vẫn thiếu hằng tháng, không biết khi nào cái nghèo nó hết bám víu nhà tôi nữa...”, ông Năm than thở.

aluoi-1.jpg

Những căn nhà xập xệ như thế này xuất hiện quá nhiều ở huyện nghèo A Lưới, trong ảnh là nhà ông Năm

Không chỉ những hộ lớn tuổi mà nhiều gia đình trẻ ở A Lưới đã sớm loay hoay với cái nghèo. Năm nay mới 38 tuổi nhưng hộ anh Hồ Thanh Nhuần (thôn Ka Nôn 1, xã Lâm Đớt) đã là hộ nghèo gần 10 năm. Gia đình anh Nhuần không có đất, con cái thì tàn tật, hai vợ chồng đi làm thuê để kiếm sống.

Là địa phương giáp biên giới, lại chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm gần đây, dù tỷ lệ hộ nghèo ở A Lưới có giảm nhiều nhưng vẫn còn ở mức khá cao, nguy cơ tái nghèo là điều khó tránh khỏi. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo và kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững ở A Lưới cũng được chỉ ra khá nhiều. Một trong những nguyên nhân lớn là việc thiếu đất sản xuất khiến người dân nơi đây khó khăn trong việc làm ruộng, làm vườn và tổ chức chăn nuôi. Thị trường đầu ra sản phẩm nông nghiệp của bà con còn thấp. Một rào cản khác trong công tác xóa đói giảm nghèo ở A Lưới đó là xuất phát từ nhận thức và ý chí vươn lên của chính người dân nơi đây chưa cao, một bộ phận không nhỏ bà con còn mang nặng các tư tưởng, phong tục tập quán lao động sản xuất lạc hậu. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa quyết liệt trong lãnh, chỉ đạo; công tác tuyên truyền, vận động triển khai thực hiện có việc còn lúng túng, chưa đồng bộ...

aluoi-2.jpg

Cuộc sống người dân vùng cao A Lưới vất vả quanh năm, cái nghèo đeo bám dai dẳng

Nổ lực giảm nghèo bền vững

Chính quyền các xã ở vùng cao A Lưới vẫn đang nổ lực trong việc giảm nghèo, tuy nhiên đó là “bài toán” nan giải. Theo ông Lê Văn Nghiếu - Chủ tịch UBND xã Trung Sơn (huyện A Lưới), xã hiện có 949 hộ, dù chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm luôn hoàn thành nhưng đến nay vẫn có đến 264 hộ nghèo, 283 gia đình chính sách, đời sống của bà con dân bản còn gặp nhiều thiếu thốn; việc thực hiện rà soát, vận động người dân thoát nghèo còn bất cập. Khó khăn nhất đối với cấp ủy và chính quyền ở xã lúc này là hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao tinh thần tự giác, thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Nguồn lực tập trung để đầu tư phát triển cho A Lưới vẫn đang tiếp tục theo các chương trình, như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình, dự án khác với tổng nguồn lên đến hàng chục tỷ đồng. Đây là “đòn bẩy” để tiếp tục giúp đỡ đồng bào vươn lên thoát nghèo, thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi A Lưới.

Dù Thừa Thiên – Huế đang dùng rất nhiều nguồn lực để giúp A Lưới thoát nghèo, tuy nhiên, áp lực sẽ lớn nếu A Lưới không có cách thực hiện phù hợp. Huyện A Lưới cho hay để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện tập trung cơ bản vào 3 nội dung chính gồm tạo việc làm cho lao động chưa có việc; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ về sinh kế, triển khai các mô hình có hiệu quả đã thực hiện thành công trên địa bàn.

aluoi-3.jpg

Các mô hình sinh kế tạo thu nhập cho người dân A Lưới đang được thực hiện

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ chỉ rõ, thực trạng hộ nghèo ở A Lưới rất đáng lo ngại dù đã có nhiều tiến triển. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn huyện phải xốc lại, tăng tốc giảm nghèo bền vững. A Lưới tuyệt đối không tăng thêm số hộ nghèo; giảm dần số hộ cận nghèo. Nếu hộ nghèo tăng, phát sinh thêm hộ cận nghèo là thất bại trong chủ trương thực hiện giảm nghèo bền vững.

“Đã đến lúc phải xác định, hàng tháng, hàng quý có bao nhiêu hộ đã thoát nghèo. Muốn vậy, cần phải đổi mới bằng các giải pháp cụ thể, cách thức tổ chức thực hiện hiệu quả bằng ý chí, hành động mạnh mẽ, quyết tâm, quyết liệt. Các hộ nghèo có sức lao động phải nhất quyết thoát nghèo. A Lưới cần huy động tổng lực cả hệ thống chính trị, đơn vị, doanh nghiệp để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Giảm nghèo bền vững ở A Lưới phải được thống nhất từ huyện xuống xã, xã xuống thôn. Các cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở cần xác định, thời gian giảm tỷ lệ hộ nghèo ở A Lưới không còn nhiều, nên nỗ lực cố gắng, quyết tâm thực hiện cho bằng được...”, ông Thọ nhấn mạnh.

Qua rà soát đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo ở A Lưới là 5.399 hộ, chiếm 38,2%. A Lưới phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện giảm còn dưới 12,01%, quyết tâm thoát ra khỏi một trong 74 huyện nghèo nhất toàn quốc giai đoạn 2021 – 2025

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà con vùng cao Thừa Thiên – Huế loay hoay với bài toán giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO