Chương trình được thực hiện với 3 mục tiêu chủ yếu gồm: Thứ nhất, xây dựng các mô hình điển hình ứng dụng và chuyển giao KH&CN tiên tiến phù hợp vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản tại địa bàn nông thôn tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu KH&CN vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
Người dân thị xã Sa Pa (Lào Cai) trồng cà chua trong nhà lưới |
Thứ hai, liên kết và phối hợp giữa Chương trình này với các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng, của địa phương về nông nghiệp, nông thôn để nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn lực của Nhà nước và huy động tối đa nguồn lực của xã hội, góp phần phát triển sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho nông dân, thực hiện mục tiêu chiến lược tăng trưởng và xoá đói, giảm nghèo.
Thứ ba, đào tạo, hình thành mạng lưới cán bộ kỹ thuật và đội ngũ cộng tác viên cơ sở có trình độ phù hợp giúp các địa phương triển khai các dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến thích hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sau 5 năm triển khai, Chương trình đã có 400 dự án trên 61 địa bàn tỉnh thành phố được phê duyệt với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp KH&CN Trung ương là 1.224.085 triệu đồng. Các dự án khi kết thúc dự kiến xây dựng 1.309/1.200 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và công nghệ (đạt 109,1%); chuyển giao được 2.126/1.500 lượt công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi, vùng DTTS (đạt 141,7%).
Bà con dân tộc Dao ở bản Lèng Xuôi Chin, xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ (Lai Châu) chăm sóc vườn mía. |
Báo cáo tại Hội nghị Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2025" cho thấy, thông qua thực hiện dự án và các nhiệm vụ liên quan, Chương trình đã đào taọ, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án cho 1.800/1.500 cán bộ quản lý (đạt 120%); đào tạo được 3.520/2.500 kỹ thuật viên cơ sở địa phương (đạt 140,8%), tập huấn cho 78.610/80.000 lượt nông dân về các tiến bộ khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng cho dự án (đạt 98,3%).
Đến nay, nhiều dự án áp dụng KH&CN tại vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có kết quả nổi bật như: các dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất rau, hoa ở Phia Đén (Cao Bằng); sản xuất nông nghiệp bền vững ở Bác Ái (Ninh Thuận); nhân giống, trồng thâm canh, cải tạo và chế biến chè Shan Trạm Tấu (Yên Bái); phát triển chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm gạo đặc sản địa phương (Khẩu Ký, Tẻ Râu) tỉnh Lai Châu; công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê và hồ tiêu tại vùng đồng bào DTTS tỉnh Gia Lai; Công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào DTTS tỉnh Ninh Thuận; công nghệ xử lý nước mặt, nước ngầm thành nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho đồng bào DTTS tại tỉnh Lai Châu…
Ngoài ra, còn có các dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN vào chăn nuôi như Dự án “Ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi bò thịt theo hướng thâm canh” triển khai trên địa bàn xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã mở ra cơ hội mới cho đồng bào dân tộc Dao. Thông qua dự án, 40 hộ tham gia, có 20 hộ nghèo đã thoát nghèo; 16/20 hộ cận nghèo đã trở thành hộ khá. Mô hình nuôi bò thịt tại vùng đồng bào DTTS một số tỉnh trung du, miền núi phía Bắc; mô hình nuôi vỗ béo bò vàng Hà Giang tại các huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, vùng đồng bào DTTS tỉnh Ninh Thuận…
Ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi |
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang: Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm mới có thể làm thay đổi cơ cấu sản xuất của một đơn vị sản xuất hay của một vùng sản xuất. Đặc biệt, các dự án đã mang lại hiệu quả môi trường khi tận dụng được các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp (rơm rạ, bã mía, mùn cưa…) để sản xuất thành sản phẩm có giá trị sử dụng và trở thành hàng hóa bán ra thị trường. Qua đó, không chỉ doanh nghiệp sản xuất mà cả người dân sẽ có ý thức tận dụng, thu gom để cấp cho dự án, vừa có tác dụng tăng thu nhập, vừa góp phần giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường nông thôn.
Các dự án sản xuất rau, quả, chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn theo VietGAP, an toàn hữu cơ không chỉ giúp tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, mà còn giúp giảm thiểu một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, các chất hóa học ra môi trường, giảm phát thải từ sản xuất ra môi trường. Ngoài ra, các dự án xử lý nước, cấp nước sạch, tưới tiết kiệm nước đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước cho những khu vực khí hậu khô hạn…