An Sơn – Mùa đảo khát

08/04/2016 00:00

(TN&MT) - Chưa năm nào như năm nay hạn hán xảy ra gay gắt ở hai huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải (Kiên Giang). Hiện nay cư dân trên các xã đảo Nam Du và xã đảo An...

 

(TN&MT)  - Chưa năm nào như năm nay hạn hán xảy ra gay gắt ở hai huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải (Kiên Giang). Hiện nay cư dân trên các xã đảo Nam Du và xã đảo An Sơn thuộc huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang  đang lâm vào tình trạng cạn kiệt nguồn nước sinh hoạt và  từng ngày cầu mưa giải hạn...

Nguyên nhân của tình trạng khô hạn do nguồn nước suối trên các đảo cạn kiệt, nước mưa trữ lại trong các hộ gia đình đang cạn dần nhiều giếng nước đang “trơ đáy” và cả hồ chứa nước  Nam Du –cũng khô cạn, chỉ còn nước để cung cấp cầm chừng cho hơn 600 hộ dân đã lắp đặt đồng hồ. Trong khi đó, đây là 3 nguồn nước chính để sử dụng, sinh hoạt hàng ngày của cư dân sinh sống trên các xã đảo huyện Kiên Hải và ngư dân khai thác đánh bắt thủy sản trên ngư trường quanh khu vực và cả hàng ngàn khách du lịch đến thăn quan đảo mỗi ngày.

Hiện giá nước sinh hoạt ở quần đảo Nam Du dao động ở mức 120 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng 1 mét khối tùy thuộc vào khoảng cách vận chuyển nước ngọt xa hay gần. Năm nào cũng vậy vào mùa khô là nguồn nước tại các giếng khơi và hồ nước lại cạn kiệt nên người dân phải  thay nhau xếp hàng để chở nước tại những giếng công cộng còn nguồn nước để về dùng. Nếu ai đến trễ thì sẽ không có nước.

Anh Nguyễn Duy Phước một người dân xã An Sơn đang xếp hàng chờ đến lượt lấy nước cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, làm công một ngày chỉ hơn 200.000 đồng mà mỗi ngày vào mùa hạn này gia đình tôi dùng tiết kiệm cũng hết 50 ngàn đến 60 ngàn đồng tiền nước nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc  chi tiêu trong gia đình”. Còn bà Lê Thị Me một người dân cùng xã cũng cho biết thêm: Hàng ngày bà đi xin chỉ được mấy chục ngàn nên chỉ dám bỏ ra 20 ngàn đồng đổi hai can nước về để dành nấu ăn, chứ không dám sử dụng vào việc sinh hoạt khác.

Nước sinh hoạt của người dân trên đảo hiện nay chủ yếu mua từ nơi khác chở đến với giá 120.000 - 150.000 đồng/m3.Nhiều hộ phải mua nước suối từ trong bờ mang ra với giá 22.000 - 25.000 đồng/bình 20 lít để nấu ăn, nên phải sử dụng hết sức tiết kiệm. Có khi người dân xã đảo phải đợi 3 - 4 ngày mới có nước để mua.

Hàng năm, nước ngọt ở Hồ An Sơn được tích nước vào mùa mưa và trữ lại để cung cấp nước cho người dân trên đảo vào mùa khô trong thời gian hơn 4 tháng, kể từ đầu tháng 1 cho đến giữa tháng 5. Bình thường hồ nước An Sơn đảm nhận cung cấp nước sinh hoạt được 400 hộ dân, trong tổng số 800 hộ trên đảo, với giá nước chỉ có 5.500 đồng/m3, mà đã qua hệ thống lắng, lọc nên nguồn nước ngọt ở hồ đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng nước cho người tiêu dùng. Trong khi đó, nước được lấy từ giếng, có đôi khi chưa đảm bảo chất lượng nhưng hiện nay được đổi với giá rất đắc đỏ, một can 30 lít có giá 4.000 đồng, như vậy, một khối nước có giá hơn 130.000 đồng, cao hơn 20 lần so với nguồn nước Hồ cung cấp nhưng vẫn không có nước để mua. Nước sinh hoạt của người dân trên đảo hiện nay chủ yếu mua từ nơi khác chở đến với giá 120.000 - 150.000 đồng/m3.

Chị Lâm Thị Ngọc, người dân ấp Củ Tron, xã An Sơn than:  “Gần một tháng nay gia đình tôi phải mua nước sinh hoạt với giá 4.000 – 5000 đồng một can 30 lít,nhưng cũng ngày có, ngày không, dân ở đảo lo nhất là nước sinh hoạt vào mùa khô”. Đã thế An Sơn còn phải “gồng” thêm mỗi ngày cả ngàn khách du lịch đến đảo thăm quan và khoảng 300-400 ghe đánh bắt hải sản (gần 2.000 ngư dân) vào lấy nước hằng ngày, nên theo bác Châu Văn Tiễn - một người chuyên hành nghề đổi nước, thì độ chừng mươi, mười lăm ngày nữa là kiệt nước, chắc phải nhờ trên chi viện nước từ đất liền ra.

Theo tìm hiểu của PV Báo Tài nguyên & Môi trường thì người dân xã An Sơn hiện nay đang hàng ngày phải đổi nước với giá đắt đỏ từ nguồn nước giếng có đôi khi kém chất lượng, nhưng vẫn phải sử dụng, bởi vì không còn nguồn nước nào khác.  Từ đó, người dân trên xã đảo An Sơn luôn trông chờ vào nguồn nước của hồ. Tuy nhiên, năm nay do nắng nóng kéo dài, lượng mưa đầu mùa rất ít, nên nguồn nước trong hồ đã cạn khô, ngưng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên đảo hơn nửa tháng nay. Hiện nay hồ đang phơi đáy chờ những cơn mưa nặng hạt, để tích nước cung cấp cho bà con ngư dân trên đảo vốn đã thiếu nước ngọt sinh hoạt từ nhiều năm qua, mà nay lại còn khó khăn hơn.

Ông Đào Thanh Hóa - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Kiên Giang đã xác nhận với PV Báo Tài nguyên & Môi trường  hiện nay hồ chứa nước An Sơn chỉ còn khoảng hơn 10 ngàn khối nước nên Trung tâm đã chỉ đạo Trạm Cấp nước An Sơn không cung cấp qua hệ thống cấp nước. Hàng ngày từ 15 đến 18 giờ chúng tôi có thông báo đến những hộ  dân nào thiếu nước thì đến hồ đến bơm trực tiếp vào can nhựa vận chuyển về sử dụng và chúng tôi có quy định mỗi hộ chỉ được chở từ 10 dến 12 can và không thu tiền, ông Hóa cho biết. Hiện nay hàng ngày có hàng ngàn khách du lịch đến thăm quan trên đảo nhưng việc thiếu nước ngọt cũng là một trở ngại trong phát triển ngành công nghiệp không khói của Quần đảo Nam Du.

Việc xây dựng các hồ chứa nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và đặc biệt là việc phát triển kinh tế biển mà du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của các xã đảo này là điều mà chính quyền và người dân xã đảo đang trong đợi từ các ngành các cấp hữu quan để mùa khô không còn là nỗi sợ thiếu nước như là một điệp khúc mà mùa khô năm nào cũng là chuyện “biết rồi nói mãi”...

Bài & ảnh: Giang Sơn

 

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Sơn – Mùa đảo khát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO