Môi trường

Ấm no từ những cánh rừng

Trần Hương 05/08/2023 - 15:37

(TN&MT) - Tháng 6 Điện Biên, những cơn mưa rừng đổ về ràn rạt. Bây giờ Điện Biên đang là đỉnh điểm mùa mưa, nên trời mưa rất phũ. Cũng chính thời điểm này, những cánh rừng được mùa sinh trưởng. Tất thảy bạt ngàn xanh, một màu xanh ấm no và trù phú. Cũng chính nhờ rừng mà đồng bào dân tộc Hà Nhì ở Mường Nhé (Điện Biên) giảm nghèo có cuộc sống đủ đầy, sung túc.

Bảo vệ “thần rừng” nơi cực Tây Tổ quốc

Ngược đèo Cò Chạy chúng tôi hăm hở cho xe ngược ngàn vào Mường Nhé. Mảnh đất xa xôi và diệu vợi, miền viễn biên nơi cực Tây Tổ quốc, “một con gà gáy cả 3 nước cùng nghe.” Ngồi sau xe Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé, Nguyễn Đình Cương chúng tôi lắc mình sau những vòng cua tay áo. Ở Điện Biên đi từ mờ sáng, đến quá ngọ thì chúng tôi có mặt tại huyện. Suốt cả chặng đường, từ thành phố Điện Biên Phủ đến Mường Nhé dài gần 200 cây số, hai bên đường rừng bắt đầu xanh trở lại. Chủ yếu là rừng tái sinh mà đồng bào trước đây đã chặt phá làm nương.

Anh bạn tôi đi cùng nói: Tất cả những vạt đồi xanh kia chủ yếu là rừng tái sinh, sau những năm đồng bào đua nhau phá rừng làm rãy, giờ Điện Biên đưa vào quy hoạch thành 3 loại rừng, những cánh rừng này nay sẽ được bảo vệ tốt một phần đồng bào được nhận tiền khoán khoanh nuôi, bảo vệ từ quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tiếp nối câu chuyện ấy, Hạt trưởng Kiểm lâm Nguyễn Đình Cương, gật đầu xác nhận và kể: Ở Mường Nhé có cộng đồng người Hà Nhì họ bảo vệ rừng rất tốt. Họ coi những cánh rừng như người thân, luôn bao bọc chở che vì rừng mang lại nguồn sống cho cộng đồng.

anh-1.jpg
Bà con dân tộc Hà Nhì chăm sóc bảo vệ rừng

Quả như lời kể của cán bộ Kiểm lâm Cương, dọc quốc lộ 4H, bắt đầu qua đất Chung Chải, chạy qua Leng Su Sìn, Sen Thượng đến tận xã Sín Thầu mấy chục cây số chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi đâu đâu cũng thấy màu xanh của rừng hiển hiện. Phải đến khi gặp được Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, Pờ Mỳ Lế đã gắn bó với mảnh đất này từ thuở thiếu niên thì mọi thắc mắc đó mới có lời giải đáp. Bà Lế kể: “Từ xưa đến nay, ở miền đất này các thế hệ người Hà Nhì luôn gìn giữ, bảo vệ tốt những cánh rừng. Coi rừng như nhà, như sản vật quý báu của thiên nhiên. Người Hà Nhì luôn tâm niệm rừng là mạch sống bền lâu, sinh sống nhờ rừng, có nhà để ở cũng nhờ rừng, có nước uống cũng từ rừng. Nếu không bảo vệ được rừng thì cuộc sống cũng không được dài lâu... Lẽ đó mà cộng đồng người Hà Nhì ở 7 bản của xã Sín Thầu đều chung sức quản lý và bảo vệ tốt 12.000ha rừng, duy trì tỷ lệ che phủ rừng của xã đạt trên 73%” - Bà Pờ Mỳ Lế nói.

Cũng theo bà Pờ Mỳ Lế, trong tín ngưỡng dân gian người Hà Nhì có tục thờ thần rừng, ở mỗi bản lại có một khu rừng thiêng không ai được chặt phá. Đặc biệt, vào tháng 2 âm lịch hàng năm, người Hà Nhì nơi đây lại tổ chức Lễ cúng bản (hay còn gọi là lễ Gạ Ma Thú) - nghi lễ lớn, quan trọng nhất trong năm. Lễ hội này nhằm mục đích cầu cúng các vị thần, trong đó có thần rừng thiêng và tổ tiên phù hộ để năm mới mưa thuận, gió hòa, mọi người trong bản mạnh khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn. Trong những ngày này, người Hà Nhì dừng các công việc trên nương rẫy, không gây mất đoàn kết, không ăn thịt thú rừng, không bắt hoặc mang vào bản các con vật sống trong hang, lòng đất để tránh rủi ro cho Nhân dân trong bản... Điều đó cho thấy rừng có vị trí rất quan trọng trong tín ngưỡng của người Hà Nhì chúng tôi…”

anh-2.jpg
Những cánh rừng luôn được người dân trong bản giữ gìn nghiêm ngặt.

Ngay từ thuở lọt lòng, những đứa trẻ dân tộc Hà Nhì đã được mẹ khắc ghi vào tiềm thức việc phải gìn giữ bảo vệ rừng qua những làn điệu hát ru của dân tộc Bằng tiếng hát ngọt ngào, người mẹ Hà Nhì dạy con mình chỉ thu hái những nông sản mình trồng được, không được chặt phá cây to, những cây gỗ quý và phải xem rừng như “người mẹ thiên nhiên”, nuôi dưỡng cuộc sống của mình. Cùng với câu chuyện của Bí thư Đảng ủy xã Pờ Mỳ Lế, chúng tôi nhớ lại cuộc trò chuyện cách đây không lâu với cô cán bộ văn hóa Pờ Xí Mé cũng là một người con của xã Sín Thầu. Trong rất nhiều những câu chuyện mà cô kể về dân tộc mình vầ những cuộc tiễu phỉ, khẩn hoang cho đến những phong tục đậm nét văn hóa về giữ rừng, thần rừng bảo vệ người dân trong bản an vui qua nhiều thế hệ. Họ tự hào với cách giữ rừng và những gì rừng đã trả ơn..!

Giữ rừng làm sinh kế

Rừng đối với đại bộ phần người dân tộc Hà Nhì ở Mường Nhé không chỉ là yếu tố tâm linh chở che người dân trong bản, rừng cho nước ngọt chở che bộ đội và rừng vây quân thù. Hiện nay, rừng còn đang là nguồn sống dài lâu, giúp đồng bào thoát nghèo bền vững của người dân Hà Nhì nói chung và đồng bào các dân tộc tại các xã Sen Thượng, Sín Thầu, Chung Chải nói riêng, nhất là từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được đưa vào triển khai thực hiện.

Trong chuyến công tác này, chúng tôi may mắn đến đúng dịp đi tuần rừng mùa của người dân bản Tá Sú Lình, xã Sín Thầu. Rừng của bản Tá Sú Lình nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé với hơn 320ha rừng tự nhiên, trong đó có 240ha diện tích do cộng đồng bản bảo vệ. Để quản lý tốt diện tích rừng, tổ quản lý bảo vệ rừng bản Tá Sú Lình thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng và phòng ngừa, phát hiện các đối tượng săn bắt động vật hoang dã, chặt hạ những cây gỗ quý; coi rừng là ngôi nhà chung của cộng đồng... Nhờ đó, khu rừng nguyên sinh nơi đây đã được bảo vệ tốt trong thời gian qua.

Một cán bộ Hạt Kiểm lâm Mường Nhé định vị tọa độ trước khi tiến hành tuần tra bảo vệ rừng tại xã Sín Thầu. Ông Chảo Trố Phạ, Bí thư Chi bộ bản Tá Sú Lình, xã Sín Thầu chỉ vào cánh rừng xanh thẫm nói như thể hàm ơn: “Kia là cánh rừng của xã tôi trông coi quản lí. Bao đời nay, người Hà Nhì luôn luôn đoàn kết trong công tác bảo vệ rừng. Rừng như mái nhà tươi mát che chở chúng tôi quanh năm từ đời này sang đời khác. Rừng kể cho chúng tôi biết bao câu chuyện về mình. Về cả những tương lai mà con cháu chúng tôi sẽ gắn bó ở đây. Không có rừng không biết cuộc sống chúng tôi sẽ ra sao…”

Ông bảo: Bản Tá Sú Lình hiện có 24 hộ với khoảng 108 nhân khẩu. Với diện tích rừng bảo vệ, trung bình mỗi năm bản nhận được trên 240 triệu đồng, chia làm 2 đợt. Hiện nay, bản có 4 tổ tuần tra với sự tham gia của hầu hết các hộ dân trong bản. Duy chỉ có 1 hộ người già neo đơn trên 75 tuổi là không tham gia nhưng vẫn được cộng đồng bản trích tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Không chỉ vậy, tận dụng những tán rừng xanh mát, 80% hộ dân của bản còn trồng sa nhân để tăng thu nhập hộ gia đình…

anh-3.jpg
Những cánh rừng Mường Nhé được bảo vệ xanh tốt.

Câu chuyện của bản Tá Sú Lình cũng tương tự bản Tả Ló San, một bản khác của người Hà Nhì ở xã Sen Thượng, nhiều năm nay cũng giàu có lên bởi kỳ tích giữ rừng. Không những thế, nơi đây còn nổi tiếng với những “triệu phú rừng”. Bởi lẽ cả bản chỉ có 24 nóc nhà nhưng chăm sóc, bảo vệ đến hơn 2.755ha rừng; trong đó, hầu hết là rừng nguyên sinh, dưới tán là hệ sinh thái động, thực vật rất phong phú. Hàng năm, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Tả Ló San tính theo đầu người cao nhất tỉnh. Đơn cử như năm 2021, bản được hưởng hơn 2,5 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng; đến năm 2022, mỗi khẩu được hưởng 18 triệu đồng/năm. Như vậy, mỗi hộ 6 khẩu trở lên sẽ hưởng từ trên 100 triệu đồng/năm từ rừng; con số mơ ước ngay cả với nhiều hộ dân ở vùng thấp...

Đọng lại trong tôi suốt cả chuyến đi là tinh thần gìn giữ, bảo vệ rừng của người Hà Nhì ở cực Tây Tổ quốc. Họ coi những cánh rừng như người mẹ thiên nhiên luôn có trách nhiệm chở tre bao bọc nuôi dưỡng những người con. Mặc cho những người con ấy có lúc đã sai lầm giày xéo lên thân thể mẹ. Người mẹ rừng vẫn dưỡng giục, nuôi sống họ. Nhẩm tính sơ bộ, trung bình mỗi hộ dân người đồng bào Hà Nhì ở khu vực huyện Mường Nhé có thu nhập gần 10 triệu đồng/năm từ công sức bảo vệ rừng. Chưa kể mùa nào thức nấy những sản vật từ rừng đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào các dân tộc tại các xã Sín Thầu, Sen Thượng, Chung Chải, Leng Su Sìn của huyện Mường Nhé. Cuộc sống họ nhờ đó cũng đủ đầy, sung túc… sinh kế giảm nghèo bắt nguồn từ những cánh rừng xanh mát ở nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ấm no từ những cánh rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO