Agribank tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022

PV| 30/12/2021 22:00

(TN&MT) - Chiều ngày 29/12, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2022 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Ngành Ngân hàng đã thực hiện tốt các giải pháp điều hành Chính sách tiền tệ

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Đây là năm đầu tiên đất nước bước vào thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2026, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội.

Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã kịp thời cập nhật tình hình, đề ra chủ trương, đường lối, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chưa từng có tiền lệ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đưa đất nước ta vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nhanh chóng chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn trong kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm 2021 mang tới nhiều thách thức trong việc điều hành chính sách tiền tệ khi kinh tế thế giới có nhiều biến động, doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 … Nhưng năm 2021 cũng là một năm rất đặc biệt khi kỷ niệm 70 năm Ngân hàng Việt Nam, vinh dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và có bài phát biểu quan trọng động viên các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Ngân hàng. Vì vậy, toàn ngành Ngân hàng đã tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao.

Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, với sự chủ động, linh hoạt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, chủ động bám sát tình hình dịch bệnh, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Trong năm 2021, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ CSTT để điều tiết thanh khoản phù hợp, đảm bảo thị trường tiền tệ, sẵn sàng nguồn vốn phục hồi nền kinh tế, lãi suất liên ngân hàng được duy trì ở mức thấp, hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí vốn để có điều kiện cắt giảm lãi suất cho vay.

Quang cảnh Hội nghị

NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác trong điều hành chính sách tiền tệ, giá cả hàng hóa dịch vụ, dự báo lạm phát để góp phần kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, lạm phát năm 2021 được kiểm soát dưới mục tiêu 4% do Quốc hội và Chính phủ đề ra, bình quân khoảng 2%, mức thấp nhất từ năm 2016. Lạm phát cơ bản cũng ở mức thấp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố niềm tin của người dân, thu hút nguồn vốn FDI, là một trong các cơ sở để Việt Nam được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm nâng mức lên tích cực.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. NHNN đã điều chỉnh linh hoạt chỉ tiêu tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, thực hiện tốt giảm lãi suất cho vay, kịp thời cung ứng vốn cho doanh nghiệp, người dân. Tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, các chương trình tín dụng chính sách. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tích cực triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH.

Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của NHNN, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so cùng kỳ năm 2020. Tổng dư nợ nền kinh tế tăng 12,97% so với cuối năm 2020; 4 trên 5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng chung của nền kinh tế. Sau khi cắt giảm mạnh lãi suất điều hành 3 lần vào năm 2020 và là một trong các NHTW giảm lãi suất mạnh nhất khu vực, NHNN tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp năm 2021 nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận vốn từ NHNN với chi phí thấp để có cơ sở giảm lãi suất cho vay.

Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới.

Năm 2021, NHNN tiếp tục giám sát chặt chẽ các TCTD trong việc triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt; rà soát, điều chỉnh phương án phù hợp với thực tiễn hoạt động, khắc phục các tồn tại, yếu kém; kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh, xử lý các khó khăn, vướng mắc của các TCTD trong quá trình triển khai thực hiện phương án. Đặc biệt, chuyển đổi số là hướng đi chiến lược nhằm cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0. Do vậy, trong năm 2021, NHNN đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động; hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng.

Hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã góp phần gia cố “trụ đỡ”

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chia sẻ: Trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính luôn là một trong những giải pháp quan trọng nhất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và bà con nông dân. Giai đoạn vừa qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ nông nghiệp là một trong năm lĩnh vực được ngân hàng chọn cho vay ưu tiên.

Từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế-xã hội trong đó có ngành Nông nghiệp, các TCTD đã thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và bà con nông dân vượt qua khó khăn, khôi phục phát triển sản xuất khu vực nông nghiệp, nông thôn và thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo, chính sách của NHNN.

Đồng thời, một số các TCTD đã xây dựng các chương trình hỗ trợ riêng, mang lại hiệu quả cao, nhiều chương trình cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đã phát huy hiệu quả như chương trình phát triển nông nghiệp cao, nông nghiệp sạch, nhiều chương trình cho vay tín dụng được ưu tiên giảm lãi suất như: vay phục vụ hoạt động kinh doanh, mua sắm thiết bị, máy móc thiết bị nông nghiệp, … vay theo hộ gia đình, cá nhân thông qua tổ vay vốn, vay ưu tiên lãi suất đối với hộ nghèo, trồng cây cà phê, nuôi trồng thủy sản xây dựng nông thôn mới… 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng dòng vốn tín dụng đã khơi dậy tiềm năng phát triển một đất nước có lợi thế về nông nghiệp, đã và đang thúc đẩy làn sóng của các tổ chức tín dụng về khu vực này trong những năm gần đây. Từ đầu năm 2021 đến nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chính sách để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho các khu vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, ngân hàng đã tập trung nguồn vốn, xem xét nâng hạn mức tín dụng trên địa bàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giúp đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn thu mua, tạm trữ vụ Hè Thu với thời hạn hợp lý và xem xét giảm thêm lãi vay; linh hoạt áp dụng các giải pháp phù hợp, hiệu quả (sau 03 tháng kể từ khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay thu mua để chế biến, tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL tăng hơn 9.000 tỷ đồng, hạn mức cấp tín dụng tăng gần 12.000 tỷ đồng).

“Có thể nói, trong thời gian qua, nhất là trong năm 2021 đầy khó khăn thách thức, Bộ NN và PTNT luôn nhận được sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của Ngân hàng Nhà nước. Chúng tôi ý thức rằng, trong mỗi thành tích của ngành NN và PTNT luôn có dấu ấn của Ngân hàng Nhà nước. Nếu nông nghiệp thời gian qua được xem là “trụ đỡ” thì hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã góp phần gia cố trụ đỡ đó”  ông Hoan chia sẻ.   

Trình bày tham luận tại Hội nghị Chủ tịch Hội đòng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước và phải đối mặt với nhiều biến động bất thường từ thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế, NHNN vẫn luôn kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng; bám sát diễn biến thị trường, chủ động, thận trọng và linh hoạt áp dụng các biện pháp, công cụ phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhất là 02 lần sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN phù hợp với tình hình thực tế, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho TCTD tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ, tháo khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cùng với Bộ, ngành nỗ lực chứng minh thành công với Bộ Tài chính Mỹ về việc Việt Nam không thao túng tiền tệ. 

Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2022

Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn cho biết thêm, về phía Agribank, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong cho vay “Tam nông”, duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn khoảng 70%/tổng dư nợ và chiếm hơn 36% tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực này; hỗ trợ tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và hạn chế tín dụng đen.

Trong năm 2021, Agribank đã thực hiện nghiêm túc phòng, chống dịch Covid-19, vừa tích cực, tiên phong triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ khách hàng và công tác an sinh, xã hội: chủ động cắt giảm chi phí hoạt động 10%, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng và giảm, miễn phí dịch vụ thanh toán với tổng mức giảm khoảng 6.500 tỷ đồng cùng với 500 tỷ đồng tài trợ cho công tác an sinh xã hội và phòng, chống Covid-19. Ngoài ra, với tinh thần chia sẻ trong khó khăn, người lao động của Agribank đã đồng thuận không nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp góp phần dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Về kết quả kinh doanh, dự kiến đến 31/12/2021, Agribank hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2021. Trong đó, tổng tài sản đạt 1.680 ngàn tỷ, tăng 7,3%, huy động vốn đạt 1.563 ngàn tỷ, tăng 7,5%; tín dụng đạt 1.316 ngàn tỷ, tăng 8,5%. Năm 2021 là năm Agribank thay đổi toàn diện mô hình tổ chức để hướng theo quản trị, điều hành của ngân hàng thương mại hiện đại, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến ngân hàng số.

Kết luận Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị toàn Ngành quán triệt chủ trương, định hướng, mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nâng cao khả năng thích ứng với diễn biến kinh tế, tiền tệ trong nước và quốc tế.

Quán triệt phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với bảo đảm an toàn hiệu quả, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro; Triển khai có hiệu quả tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD, xử lý có hiệu quả ngân hàng yếu kém; Thúc đẩy chuyển đổi số ngày càng đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận các tiện ích thương mại cho doanh nghiệp và người dân góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Agribank tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO