A Lưới (Thừa Thiên - Huế): Lên phương án di dân vùng núi ra khỏi khu vực lũ quét, sạt lở

Văn Dinh | 06/10/2021, 17:20

(TN&MT) - Phương án phòng chống thiên tai, đặc biệt là di dân vùng núi ra khỏi những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét... đã được chính quyền huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) triển khai.

A Lưới là địa bàn miền núi của tỉnh Thừa Thiên - Huế với phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, khe suối nhiều, độ dốc lớn nên vào mùa mưa, dòng chảy các sông suối rất dữ dội, nhiều hộ gia đình chưa có nhà kiên cố và các hộ ở vùng thấp trũng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất rất cao.

Trong năm 2020, mưa lũ đã nhiều lần làm Quốc lộ 49 nối TP. Huế - A Lưới bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông. Đường mòn Hồ Chí Minh nối Quảng Trị,  Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam bị cô lập do sạt lở nhiều điểm. Rất nhiều nhà dân ở các xã miền núi của A Lưới bị sạt lở và di dời khẩn cấp, thương vong xảy ra; các tuyến đường lên các cửa khẩu giáp nước bạn Lào cũng bị sạt lở nghiêm trọng.

A Lưới là địa phương luôn hứng chịu sạt lở, lũ quét... hàng năm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, vừa qua huyện đã rà soát, nắm cụ thể hộ dân ở từng thôn có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để từ đó có phương án di dời dân đến nơi an toàn. Theo số liệu rà soát năm 2021, tổng cộng số hộ cần di dời khi xảy ra bão, lũ là 1.862 hộ/6.664 khẩu.

“Trong đó, số hộ, số khẩu cần di dời để đối phó với bão là 331 hộ/1.258 khẩu. Số hộ, số khẩu cần di dời để đối phó với lụt là 115 hộ/435 khẩu. Số hộ, số khẩu cần di dời để đối phó với bão kết hợp lũ lụt là 650 hộ/2.556 khẩu. Số hộ, số khẩu cần di dời để đối phó với lũ quét, sạt lở đất là 766 hộ/2.415 khẩu. Tùy diễn biến thời tiết, sẽ triển khai di dời đảm bảo an toàn cho người dân và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản”, ông Hùng thông tin.

Riêng trên tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 49 là những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, Công an huyện, Hạt Quản lý đường bộ, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện A Lưới cũng rà soát phương án, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính và nghiêm cấm các phương tiện giao thông lưu thông khi có mưa lũ, bão xảy ra.

Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện A Lưới đã hợp đồng với các chủ cửa hàng dự trữ lương thực và một số hàng nhu yếu phẩm, với 10 tấn gạo; 20.000 gói mì ăn liền; 5.000kg muối; 20.000 lít nước uống đóng chai; 10.000 lít xăng dầu. Tùy theo diễn biến thời tiết và điều kiện cụ thể để điều chỉnh số lượng hàng hóa dự trữ cho phù hợp.

UBND huyện A Lưới cho biết thêm, đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn bám sát và chỉ đạo có hiệu quả theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và thể thao phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện thường xuyên tuyên truyền phương án, chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước, của huyện về công tác PCTT&TKCN; thông tin kịp thời những diễn biến về thiên tai để các cơ quan, đơn vị và nhân dân chủ động ứng phó. Trước các diễn biến bất thường của thời tiết, UBND các xã, thị trấn phát, truyền thanh thông báo đến từng cụm dân cư các thông tin kịp thời.

Phương án di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ thiên tai như lũ quét, sạt lở... đã được huyện A Lưới triển khai.

Trung tâm Y tế huyện A Lưới cũng chuẩn bị một số thuốc để dự trữ, để cấp cứu kịp thời, chuẩn bị hóa chất khử trùng làm sạch nguồn nước; vệ sinh môi trường trong và sau lụt bão, đồng thời hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm di dân tập trung.

Ngành điện tại A Lưới thông tin, đã tổng kiểm tra cột, móng cột, móng néo tại các vị trí gần sông, suối, triền đồi dốc có khả năng bị xói lở. Toàn bộ hệ thống lưới điện đã được kiểm tra trước mùa mưa bão, đặc biệt là kiểm tra hành lang, điểm xung yếu và kiểm tra việc thí nghiệm định kỳ các thiết bị, trạm điện.

Trao đổi với PV, ông Phan Thanh Hùng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, trong trường hợp phải sơ tán dân miền núi đang bị giãn cách bởi COVID - 19 ra khỏi khu vực nguy hiểm (đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...) thì tỉnh đã xây dựng phương án, kịch bản sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Theo đó, tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với nhóm dân cư cần phải sơ tán: test nhanh để tách trường hợp nghi ngờ, F0 ra khỏi cộng đồng trước khi tổ chức vận chuyển đến nơi sơ tán (các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao cần phải bố trí tại khu vực riêng) theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương.

Trong đó đề nghị các lực lượng công an, dân quân tự vệ, bộ đội, tổ chức đoàn thanh niên... hỗ trợ công tác sơ tán dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng của mưa bão, lũ; chú ý ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ có thai. Bảo đảm an toàn trong quá trình sơ tán và tại khu sơ tán. Hỗ trợ chằng chống nhà cửa khi người nhà sơ tán. Cắt toàn bộ hệ thống điện trước khi ra khỏi nhà, phòng chống cháy nổ. Thực hiện tốt công tác kết hợp quân dân y trong phòng chống thiên tai.

Tuyên truyền, vận động bà con vùng cao di tản khi có thiên tai.

Ngoài ra, bảo đảm giãn cách tại khu sơ tán tốt nhất có thể, thực hiện nguyên tắc “5K”, bảo đảm các phương tiện sát khuẩn, khẩu trang đủ cho người được sơ tán và những người làm việc tại khu sơ tán.

Vừa qua, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kiểm tra hiện trường các điểm có nguy cơ sạt lở đất ở miền núi, yêu cầu chính quyền địa phương cần chủ động, có kế hoạch di dời người dân mỗi khi có mưa, bão để đảm bảo an toàn. Đồng thời khẩn trương nghiên cứu giải pháp hỗ trợ di dời, tái định cư người dân đến địa điểm mới.

Bài liên quan
  • Sơn La: Đảm bảo an toàn cho đồng bào DTTS trước thiên tai
    (TN&MT) - Là địa phương chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Sơn La đã thực hiện 170 dự án di chuyển, bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai cho 2.784 hộ dân. Trong đó, bố trí tập trung 2.359 hộ, xen ghép 324 hộ, ổn định tại chỗ 101 hộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO