Xã hội

80 triệu đồng cho giải cao nhất - Giải Báo chí Phát triển Xanh lần thứ Nhất

Lê Hằng - Việt Hùng 23/09/2023 11:21

(TN&MT) - Đó là thông tin mà Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net Zero Carbon vừa công bố khi phát động “Giải Báo chí Phát triển Xanh” lần thứ Nhất (2023 – 2025).

h10-tang-qua.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành và Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng tặng hoa chúc mừng và trao Chứng nhận cho các đơn vị đồng hành cùng chương trình và sự kiện sáng 23/9 của Câu lạc bộ Báo chí phát triển Xanh

Phát biểu chính thức công bố “Giải Báo chí Phát triển Xanh” lần thứ Nhất (2023 - 2025), ông Trịnh Xuân Quảng – Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net Zero Carbon cho biết, giải được tổ chức nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng về sự cần thiết và trách nhiệm tiên phong của mình trong việc chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường bền vững, phát triển kinh tế xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.

h12-tang-qua.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành và Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân Quế Đình Nguyên tặng hoa chúc mừng và trao Chứng nhận cho các đơn vị đồng hành cùng chương trình và sự kiện sáng 23/9 của Câu lạc bộ Báo chí phát triển Xanh

Đặc biệt, Giải tôn vinh những giải pháp công nghệ, hiến kế, đổi mới sáng tạo, con người điển hình trong công cuộc giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa; xây dựng và phát triển bền vững gắn với thân thiện với môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, xanh và bền vững.

Giải được kỳ vọng là sân chơi, diễn đàn nghiệp vụ của các thành viên Câu lạc bộ và cộng tác viên; ghi nhận, động viên, khen thưởng các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan báo chí có tác phẩm báo chí chất lượng cao về chủ đề Phát triển Xanh, phát triển bền vững.

h-9-o-quang.jpg
Ông Trịnh Xuân Quảng – Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net Zero Carbon công bố và phát động Giải báo chí phát triển Xanh lần thứ I sáng 23/9/2023

Thể lệ giải gồm 09 Điều như: Mục đích, ý nghĩa; các loại hình và thể loại báo chí; đối tượng tham gia; hình thức thể hiện; các tiêu chí, điều kiện chung; Hội đồng xét giải, Thường trực Hội đồng; phương thức chấm điểm và tiêu chí tính điểm; mức Giải thưởng; thời gian, địa chỉ tiếp nhận.

Nội dung, quy định chi tiết Thể lệ Giải được công bố đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Tài nguyên và Môi trường và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhằm góp phần lan tỏa và tạo nhiều dấu ấn cho Giải, Ban Tổ chức trân trọng mong muốn nhận được sự hưởng ứng tham gia đông đảo, tâm huyết và trách nhiệm cao của phóng viên, nhà báo, các cây bút chuyên và không chuyên trên khắp các vùng miền đất nước và quốc tế; để có nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, đóng góp hiệu quả, thiết thực trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, vì một Việt Nam phát triển xanh, nhất là hướng đến các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Với tinh thần và ý nghĩa đó, thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin chính thức công bố và phát động Giải Báo chí Phát triển Xanh lần thứ Nhất (2023 – 2025)” – ông Trịnh Xuân Quảng nhấn mạnh.

THỂ LỆ

Giải báo chí phát triển Xanh lần thứ Nhất (2023 - 2025)

Điều 1. Mục đích, ý nghĩa

Chủ đề phát triển xanh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững luôn được Đảng và Nhà nước, cộng đồng quan tâm lớn. Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức vào tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo của 150 quốc gia trên thế giới cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ XXI - năm 2050.

Thực hiện chủ trương của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông chủ đề phát triển xanh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Theo đó, ngày 09 tháng 12 năm 2022, Giám đốc Nhà Văn hóa, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quyết định số 28/QĐ-NVHHNBVN về việc đổi tên và kiện toàn Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến NetZero Carbon (sau đây gọi tắt là “Câu lạc bộ báo chí Phát triển Xanh” – Tên tiếng Anh: GREEN MEDIA HUB; có trụ sở tại Văn phòng đại diện Hội Nhà báo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh số 226/23 đường Lê Văn Sỹ, Phường 1, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh).

Giải báo chí Phát triển Xanh do Báo Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Văn hoá Báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam), Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh tổ chức thường niên, là hoạt động quan trọng, góp phần tuyên truyền, truyền thông; tham vấn, phản biện chính sách; thúc đẩy thực hiện kịp thời các cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP26 và tăng cường thực hiện chủ trương, cơ chế chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tài chính xanh, thúc đẩy thị trường carbon.

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp về sự cần thiết và trách nhiệm tiên phong của mình trong việc chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu trong nước hướng đến cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ XXI - năm 2050.

Đồng thời, tôn vinh những giải pháp công nghệ, sáng kiến, hiến kế, điển hình trong công cuộc giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa đi đôi với xây dựng xã hội, gắn kết thân thiện với môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, xây dựng thị trường carbon…, phục vụ tốt hơn cho các hoạt động kinh tế - xã hội, phát triển bền vững đất nước.

Giải cũng tạo diễn đàn, sân chơi về nghiệp vụ cho các thành viên Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh; ghi nhận, động viên, khen thưởng các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan báo chí có tác phẩm báo chí chất lượng cao chủ đề Phát triển Xanh; thành tích trong hoạt động tuyên truyền, truyền thông chủ đề phát triển xanh, phát triển bền vững.

Điều 2. Loại hình, thể loại

1. Loại hình báo chí gồm:

a. Báo in

b. Báo điện tử.

c. Phát thanh - Truyền hình.

2. Thể loại báo chí:

a. Báo in: Tin sâu; bài phản ánh; phỏng vấn; bình luận; chuyên luận; xã luận, phóng sự; phóng sự điều tra; ghi chép; ký báo chí; chân dung.

b. Báo điện tử: Tin sâu; bài phản ánh; phỏng vấn; phóng sự; phóng sự điều tra; ký báo chí; ghi chép, infograpic...

c. Phát thanh - Truyền hình: phóng sự; ký sự; bình luận; xã luận; chuyên luận; giao lưu tọa đàm; phim tài liệu; chương trình chuyên đề tổng hợp...

Không xét chọn các tác phẩm mang tính hư cấu như thơ, truyện ngắn, tiểu phẩm văn nghệ, tranh vẽ, tấu hài…

Điều 3. Đối tượng tham gia

1. Hội viên Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh.

2. Người viết báo chuyên nghiệp, không chuyên và cộng tác viên của các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế.

Điều 4. Nội dung

a. Phản ánh, tuyên truyền về tập thể, cá nhân điển hình; những sáng kiến, hiến kế, kinh nghiệm, tri thức, kiến thức, thành tựu, bài học kinh nghiệm trong hoạt động đối ngoại, đời sống chính trị, văn hóa, ngoại giao… điển hình chủ đạo trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tài chính xanh, thúc đẩy thị trường carbon… hướng đến cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ XXI - năm 2050.

b. Những nỗ lực trong công tác quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tài chính xanh, thúc đẩy thị trường carbon…

c. Khẳng định thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển xanh, phát triển bền vững đất nước là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

d. Giải pháp công nghệ, sáng kiến, hiến kế…, góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề, thách thức lớn về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tài chính xanh, thúc đẩy thị trường carbon.

Điều 5. Hình thức thể hiện

a. Đối với tác phẩm báo in: Tác phẩm là một tin hoặc một loạt tin (không quá 05 tin); bài hoặc loạt bài cùng tiêu đề (không quá 05 kỳ) của tác giả hoặc nhóm tác giả) về sự kiện, đề tài. Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng tải khác nhau, không có tên loạt bài.

b. Đối với tác phẩm phát thanh - truyền hình: Tác phẩm phải là một (hoặc một loạt) tin, bài về chủ đề, sự kiện; phát một kỳ hoặc nhiều kỳ; thể hiện được đặc trưng của báo chí phát thanh - truyền hình, hình ảnh, âm thanh sinh động, chân thật; chất lượng hình ảnh, âm thanh đạt yêu cầu. Thời lượng tác phẩm không quá 60 phút.

c. Đối với tác phẩm báo điện tử: Tác phẩm sáng tạo lần đầu; là một tin hoặc một loạt tin (không quá 05 tin), một bài hoặc loạt bài cùng tiêu đề (không quá 05 kỳ) của tác giả hoặc nhóm tác giả) về sự kiện, đề tài; không xét tác phẩm đã đăng tải từ báo in; thể hiện được các đặc trưng của báo điện tử, có tính liên kết. Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau, không có tên loạt bài.

Điều 6. Các tiêu chí, điều kiện chung

a. Phải là tác phẩm đăng tải trên cơ quan thông tấn báo chí theo quy định. Cơ quan báo chí được cơ quan thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động báo chí và phù hợp quy định với Thể lệ này. Thời gian đăng phát tính từ ngày 01 tháng 10 năm 2023 đến hết ngày 28 tháng 02 năm 2025.

b. Tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 05 tác phẩm báo chí. Trường hợp nhiều tác giả cùng thực hiện một tác phẩm sẽ trao giải cho nhóm tác giả; số tác giả của một tác phẩm báo chí tối đa là 05.

c. Tác phẩm dự Giải phải ghi rõ: Họ và tên tác giả (cả tên khai sinh và bút danh nếu có), tên tác phẩm, thể loại báo chí, số lượng tác phẩm; cơ quan báo chí, địa chỉ, điện thoại; ngày, tháng, năm đăng, phát của tác phẩm. Tác phẩm báo chí chưa tham gia bất kỳ giải thưởng báo chí trong nước và quốc tế nào tính đến thời điểm tham dự Giải và không cùng gửi dự thi các giải thưởng báo chí khác.

d. Tác phẩm dự Giải có chữ ký xác nhận của cơ quan thông tấn báo chí hoặc cấp Hội quản lý (đối với các phóng viên thường trú đề nghị lãnh đạo cơ quan báo chí hoặc cơ quan thường trú xác nhận tác giả hiện đang là phóng viên thường trú tại tỉnh, thành phố hoặc khu vực).

đ. Đối với tác phẩm báo in, báo điện tử phải là bản in chính hoặc sao chụp từ báo in, báo điện tử đảm bảo đầy đủ, rõ ràng. Nếu là tác phẩm có sự tiếp nối nhỏ lẻ, phải cắt dán phần tiếp nối trên khổ giấy A4 hoặc A3 và đánh số từng trang. Tác phẩm báo điện tử phải được in giấy khổ A4, ghi rõ tên báo, tên tác giả, thời gian đăng tải, có hình giao diện trang chủ của báo, đường link tác phẩm. Đối với tác phẩm truyền hình được sao lưu USB; mỗi USB chỉ ghi 01 tác phẩm và ghi rõ tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng, thời gian phát sóng kèm theo bản thuyết minh. Nếu là truyền hình tiếng dân tộc phải dịch ra tiếng phổ thông.

e. Không xem xét tác phẩm dự Giải đối với tác giả vi phạm Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Luật Báo chí và các quy định pháp luật khác. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí; bản quyền tác phẩm; thuế thu nhập cá nhân (tiền giải thưởng) theo quy định pháp luật. Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm tranh chấp quyền tác giả và các quyền liên quan khác.

g. Ban Tổ chức không trả lại các tác phẩm đã gửi tham dự Giải và được toàn quyền sử dụng tác phẩm tham dự để phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo, phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền và truyền thông. Ban Tổ chức không giải quyết các khiếu nại hoặc thay đổi, sửa đổi, bổ sung về tên tác giả, tác phẩm đoạt Giải; thời gian gửi tác phẩm.

h. Ban Tổ chức đăng tải toàn bộ tác phẩm dự thi trên Báo Tài nguyên và Môi trường điện tử, địa chỉ https://baotainguyenmoitruong.vn và được hưởng nhuận bút theo quy định của Báo Tài nguyên và Môi trường. Các nhà tài trợ được quyền sử dụng các tác phẩm tham gia Giải vào các hoạt động truyền thông phù hợp.

Điều 6. Hội đồng xét giải, Thường trực Hội đồng

1. Hội đồng xét giải

a. Số lượng: 09 thành viên.

b. Thành phần (dự kiến):

- Nhà báo Hoàng Mạnh Hà - Tổng Biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh, Chủ tịch Hội đồng.

- Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh, Phó Chủ tịch Hội đồng.

- Tiến sĩ Phạm Phú Ngọc Trai, Chuyên gia kinh tế tuần hoàn, thành viên.

- Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina Capital, thành viên.

- Ông Trịnh Xuân Quảng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh, thành viên.

- Nhà báo Lê Mỹ Ái Linh, Quyền Giám đốc Trung tâm Văn hoá báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, thành viên.

- Nhà báo Vũ Duy Hưng, Giám đốc Truyền hình Nhân Dân, thành viên.

- Bà Bùi Thị Thu Hiền, Điều phối viên IUCN tại Việt Nam, thành viên.

- Đại diện Bloomberg Businessweek tại Việt Nam, thành viên.

c. Trách nhiệm Hội đồng và Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng có trách nhiệm tổ chức chấm thi, xét chọn, thẩm định các tác phẩm báo chí theo các quy định Thể lệ này.

Chủ tịch Hội đồng điều khiển các phiên họp, làm việc của Hội đồng; thay mặt Hội đồng quyết định phương thức chấm, kết quả làm việc của Hội đồng.

Chủ tịch Hội đồng có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng điều hành hoạt động của Hội đồng.

Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể. Các phiên họp của Hội đồng phải có ít nhất hai phần ba (2/3) số thành viên tham dự.

Quyết định của Hội đồng chỉ có giá trị khi trên 50% số thành viên Hội đồng biểu quyết đồng ý.

Thành viên Hội đồng không được có tác phẩm báo chí tham gia Giải này; không được tiết lộ thông tin về kết quả làm việc.

2. Thường trực Hội đồng

a. Báo Tài nguyên và Môi trường.

b. Trách nhiệm thường trực Hội đồng: Tổ chức hướng dẫn, tiếp nhận, phân loại và thẩm định, xét sơ khảo các tác phẩm báo chí tham gia Giải; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan Giải.

Điều 7. Phương thức chấm điểm và tiêu chí tính điểm

1. Phương thức chấm điểm

a. Các tác phẩm báo chí được chấm vòng sơ khảo và vòng chung khảo theo thang điểm 100.

b) Tác phẩm báo chí đạt điểm trung bình 70 điểm trở lên vòng sơ khảo để đủ điều kiện chấm vòng chung khảo.

2. Tiêu chí tính điểm

a) Đảm bảo tính thời sự, tính khách quan, chân thực, chính xác và tính đặc sắc, chuyên môn chủ đề Giải: 25 điểm.

b) Có sự tác động, sức lan tỏa rộng lớn, đạt hiệu quả xã hội cao về chủ đề Giải: 25 điểm.

c) Phát hiện, sự phân tích, đánh giá; đề xuất được các giải pháp có tính thực tiễn, hiệu quả cao; phù hợp xu hướng phát triển đời sống xã hội: 30 điểm.

d) Nội dung và hình thức thể hiện hấp dẫn, phong phú, thể hiện ngôn ngữ, phong cách báo chí, đầu tư công phu: 20 điểm.

Điều 8. Giải thưởng

1. Loại hình báo in

01 giải Nhất: 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng)

02 giải Nhì: 40.000.000 đồng (Bốn mươi triệu đồng)/Giải

03 giải Ba: 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng) /Giải

05 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng) /Giải

2. Loại hình báo điện tử

01 giải Nhất: 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng)

02 giải Nhì: 40.000.000 đồng (Bốn mươi triệu đồng)/Giải

03 giải Ba: 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng)/Giải

05 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng)

3. Loại hình phát thanh - truyền hình

01 giải Nhất: 80.000.000 đồng (Tám mươi triệu đồng)/Giải

02 giải Nhì: 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng)/Giải

03 giải Ba: 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng)/Giải

05 giải khuyến khích: 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng)/Giải

Ngoài tiền thưởng, tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải được cấp Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức.

Căn cứ điều kiện thực tế và trên cơ sở tổng số lượng tác phẩm tham gia, chất lượng của Giải, Hội đồng thống nhất đề xuất Ban Tổ chức xem xét, quyết định các hình thức vinh danh, khen thưởng phù hợp đối với cơ quan báo chí, tác phẩm báo chí và tác giả có thành tích cao; tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực quá trình tham gia, hỗ trợ tổ chức Giải.

Điều 9. Thời gian, địa chỉ tiếp nhận

1. Thời gian tiếp nhận tác phẩm dự thi: Kết thúc ngày 28 tháng 02 năm 2025 (theo dấu bưu điện); không xét giải tác phẩm báo chí tham gia dự thi gửi sau thời hạn trên.

2. Chấm tác phẩm dự thi: Kết thúc trước ngày 31 tháng 5 năm 2025.

3. Tổng kết, trao giải: Dự kiến tháng 6 năm 2025.

4. Cách thức gửi bài: Đóng bì thư bưu chính ghi: Bài dự thi giải Báo chí Phát triển Xanh lần thứ I, năm 2023 - 2025 về địa chỉ: Báo Tài nguyên và Môi trường, Lô E2, Đường Dương Đình Nghệ, Khu ĐTM Cầu Giấy, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

5. Thông tin liên hệ: Thư ký Ban Tổ chức Giải: Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Trưởng phòng, Phòng Thư ký - Biên tập, Báo Tài nguyên và Môi trường, điện thoại 0932210975 hoặc Bà Thạch Mai Hương, Phó Chánh Văn phòng Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, điện thoại 0398898816./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
80 triệu đồng cho giải cao nhất - Giải Báo chí Phát triển Xanh lần thứ Nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO