8 kết quả nổi bật của tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2018

02/04/2018 18:36

(TN&MT) - Chiều 02/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018. Tham dự dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo một số  các bộ, ngành liên quan và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí.

Họp báo 2
Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự buổi Họp báo chiều 2/4. Ảnh: Việt Hùng

Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã cung cấp một số thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo đó, về tình hình kinh tế-xã hội, tháng 3 và 3 tháng đầu năm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực với 8 kết quả nổi bật:

Thứ nhất, tăng trưởng GDP Quý I/2018 tăng 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 5,15% của cùng kỳ năm 2017 và mức tăng 5,48% của cùng kỳ năm 2016.

Bốn động lực chính của tăng trưởng là 1) ngành công nghiệp và xây dựng, tăng  9,70% (cùng kỳ năm 2017 tăng 4,48%, năm 2016 tăng 7,16%), 2) ngành ngành chế biến chế tạo, với  chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,9% (Quý I: năm 2015 tăng 9,5%; năm 2016 tăng 9,1% và năm 2017 tăng 7,8%); 3) ngành nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,05% (cùng kỳ năm 2017 tăng 2,08%, năm 2016 -1,31%); 4) ngành dịch vụ tăng 6,70% (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,36%, năm 2016 tăng 5,98%).

Thứ hai, tăng trưởng đạt mức cao song lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2018 giảm 0,27% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 0,21%). CPI bình quân quý I năm 2018 chỉ tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; tăng 0,97% so với tháng 12/2017 và tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ ba, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% (cùng kỳ tăng 6,4%), cho thấy tổng cầu, sức mua của người dân tiếp tục được cải thiện đáng kể. Nikkei vừa công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3/2018 của Việt Nam đạt 51,6 điểm, mặc dù giảm so với tháng 2, nhưng là một trong 2 nước của Đông Nam Á (Myanmar đạt 53,7 điểm) có điểm số cao nhất, trên 50 điểm.

Thứ tư, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh ước đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% (cùng kỳ tăng 12,8%), trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,9%, cao hơn mức tăng 12,1% cùng kỳ; tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Thứ năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,4% so với cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư tư nhân chiếm tỷ trọng 41,9% và tăng tới 16,9%.

Thứ sáu, khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 4,2 triệu lượt, tăng 30,9% (cùng kỳ đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 21,1%).

Thứ bảy, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 mà VCCI vừa công bố hôm 22/3, cho thấy những thông tin khởi sắc, điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ khi bắt đầu thực hiện đến nay, gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số, phản ánh rõ ràng môi trường kinh doanh cấp địa phương của Việt Nam đã có những cải thiện rất ấn tượng theo thời gian, đặc biệt là trong năm vừa qua. Thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thứ tám, thị trường chứng khoán phát triển mạnh, chỉ số VNIndex đã vượt đỉnh (1.170 điểm) 11 năm qua, cho thấy niềm tin thị trường rất tốt.

BT Mai Tiến Dũng
Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu chủ trì buổi họp báo chiều 2/4 tại Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Việt Hùng

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể là tuy số doanh nghiệp thành lập mới có tăng (có gần 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 1,2% về số doanh nghiệp và tăng 2,7% về số vốn đăng ký), nhưng mức tăng thấp hơn cùng kỳ (cùng kỳ năm trước có gần 26.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước đó; số vốn đăng ký tăng 45,8%). Có trên 12.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,9%, số doanh nghiệp giải thể trên 3.300 (trên 91% là doanh nghiệp nhỏ), tăng 1,6% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước tăng thấp hơn cùng kỳ, chỉ tăng 4,4% (trong khi cùng kỳ năm 2017 tăng 5,3%, năm 2016 tăng 5,9%) và thấp hơn các khu vực khác (khu vực ngoài nhà nước tăng 16,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,1%). Đáng lưu ý, giải ngân từ vốn ngân sách Trung ương quản lý vẫn tăng thấp (khoảng 4,2%), trong khi đó vốn ngân sách địa phương tăng 10,5%.

Mặc dù CPI tháng 3 giảm và quý I tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, không thể chủ quan về lạm phát.

Công nghiệp chế biến chế tạo trong thời gian tới khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ do trong năm 2017 và quý I vừa qua đã tăng rất cao.

Thương mại có thể gặp khó khăn do áp lực bảo hộ thương mại và các biện pháp phòng vệ từ các nước.

Sản xuất nông nghiệp đã dần ổn định và có bước tăng trưởng, nhưng biến đổi khí hậu, thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.

Tình hình vi phạm môi trường, tai nạn giao thông, cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, đã xảy ra hơn 1.000 vụ cháy nổ, làm 33 người chết, 66 người bị thương, có những vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng như vụ cháy tại chung cư Carina (TPHCM)...

Tại phiên họp, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chính trên các lĩnh vực: Kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô; giải ngân vốn đầu tư công; tài chính - ngân sách; nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ và du lịch; giao thông vận tải; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính; văn hóa, xã hội, môi trường; quốc phòng, an ninh và đối ngoại; thông tin truyền thông.

Cũng tại phiên họp, Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và kết quả kiểm tra tháng 3 năm 2018. Theo đó, từ ngày 01/01/2017 đến 31/3/2018, có tổng số 26.583 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 12.879 nhiệm vụ đã hoàn thành đúng hạn, 2.241 nhiệm vụ hoàn thành nhưng quá hạn; nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn còn 10.955, quá hạn: 508 - chiếm 4,7% (cao hơn so với tháng 2/2018).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 3 năm 2018, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra trong việc thực hiện nhiệm vụ giao và việc rà soát, xây dựng phương án đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ điều kiện kinh doanh (ĐKKD) không cần thiết, bất hợp lý nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Qua kiểm tra cho thấy các quy định về điều kiện kinh doanh của hai Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo còn một số bất cập. Như Bộ Tư pháp còn nhiều ĐKKD quy định chung chung, chồng chéo, khó hiểu, không lượng hóa được, cần đơn giản, cắt giảm và bãi bỏ... Các Bộ này đã tiếp thu ý kiến của Tổ công tác. Bộ Tư pháp đã rà soát và dự kiến đơn giản, cắt giảm và bãi bỏ 43/98 điều kiện kinh doanh, đạt 44% trong tổng số 98 điều kiện kinh doanh hiện nay của Bộ. Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát và dự kiến đơn giản, cắt giảm và bãi bỏ 91/212 điều kiện, đạt 42,9%.

Về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu mở rộng cả về phía Nam và phía Bắc, nếu cần lấy đất sân golf thì lấy đất sân golf, tinh thần là tôn trọng ý kiến của tư vấn độc lập, của Bộ GTVT và của TPHCM. VPCP sẽ sớm có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã báo cáo Chính phủ về vấn đề phong chức danh GS, PGS. Theo đó, có 94 trường hợp đã được các cơ quan chức năng của Bộ rà soát các tiêu chí và kết luận 41 ứng viên không đủ điều kiện để xem xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
8 kết quả nổi bật của tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO