105 doanh nghiệp tham gia tập huấn tăng cường năng lực về kinh tế tuần hoàn

Hoàng Ngân| 22/12/2022 19:03

(TN&MT) - Chiều 22/12, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Đại sứ quán Hà Lan và các đối tác tổ chức sự kiện tổng kết và kết nối Chương trình tăng cường năng lực về kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp Việt Nam.

a1(1).jpg
Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP chia sẻ tại sự kiện

Chương trình tăng cường năng lực về kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp tại Việt Nam được triển khai từ tháng 6 - 12/2022 với 3 mục tiêu chính: Cung cấp kiến thức kỹ thuật và chia sẻ thực tiễn về kinh tế tuần hoàn; giới thiệu các công cụ chính sách để phát triển các mô hình kinh doanh tuần hoàn; kết nối với mạng lưới chuyên gia và tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp tham gia tại Việt Nam.

Trong sáu tháng vừa qua, 105 doanh nghiệp ở 21 tỉnh, thành phố hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, thương mại điện từ, sản xuất, logistics, môi trường và xử lý chất thải, tư vấn đã tham gia chương trình. Trong đó, có 15 doanh nghiệp đã được chọn và tham gia chương trình ươm tạo để được trực tiếp tư vấn, kết nối và phân tích các thách thức, giải pháp để có thể áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn một cách hiệu quả.

a2(1).jpg
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường Mai Thế Toản phát biểu tại sự kiện

Phát biểu tại sự kiện, bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết: “Kinh tế tuần hoàn là một cơ hội kinh tế cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nền kinh tế tuần hoàn không chỉ đơn giản là "khắc phục" các tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài mà là một quá trình chuyển đổi kinh tế nhằm duy trì và tái tạo vốn tự nhiên. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn mang lại cơ hội kinh tế trị giá 4,5 nghìn tỷ USD trên toàn cầu bằng cách giảm lãng phí, kích thích đổi mới và tạo việc làm. Chính vì vậy, chúng ta cần đảm bảo rằng các doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cần thiết để chuyển đổi mô hình phù hợp với chính sách quốc gia về kinh tế tuần hoàn và hưởng lợi từ các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước”.

Theo ông Mai Thế Toản - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, các nội dung về kinh tế tuần hoàn đã được đưa vào chính sách pháp luật ở Việt Nam. Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã thể chế hóa quy định về kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó, nhiều công cụ chính sách khác có vai trò thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn như: Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), tín dụng xanh, trái phiếu xanh, quản lý chất thải rắn, nước thải… Đây là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Tuy nhiên, để những quy định pháp luật đó đi vào thực tiễn cần tiếp tục nghiên cứu để nhận diện và nhân rộng các mô hình sáng kiến áp dụng kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp.

a3.jpg
Quang cảnh buổi lễ

Tại sự kiện, các doanh nghiệp đã chia sẻ các mô hình thực tiễn và bài học kinh nghiệm như: Mô hình bao bì thân thiện với môi trường, mô hình xử lý nước thải tuần hoàn tại Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, mua bán lại sản phẩm thời trang đã qua sử dụng và bài học từ việc hướng tới tính tuần hoàn trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Các đại biểu và doanh nghiệp cũng đã thảo luận về vai trò của hệ sinh thái trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, tạo thuận lợi để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn.

Chương trình nâng cao năng lực về kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp Việt Nam là một trong những hoạt động trong khuôn khổ hợp tác của UNDP và Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và môi trường (ISPONRE), thông qua Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam (CE Hub) với Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (EEPI), Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế (Hue Innovation Hub), Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) cùng với Đại học Khoa học Ứng dụng Saxion của Hà Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
105 doanh nghiệp tham gia tập huấn tăng cường năng lực về kinh tế tuần hoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO