10 năm ngành TN&MT TP. Hồ Chí Minh: Quản lý môi trường theo định hướng phát triển bền vững

05/09/2013 00:00

TP.HCM là đô thị đặc biệt, với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu khai thác và tiêu dùng tài nguyên thiên nhiên cũng...

   
  TP.HCM là đô thị đặc biệt, với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu khai thác và tiêu dùng tài nguyên thiên nhiên cũng không ngừng tăng lên, làm nảy sinh hàng loạt các vấn đề môi trường cấp bách và lâu dài. Với chức năng nhiệm vụ được giao, trong 10 năm qua, Sở TN&MT thành phố đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hành động để nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường….
   
  Ông Nguyễn Văn Phước – Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chung tay tham gia bảo vệ môi trường được Sở TN&MT đặc biệt chú trọng thực hiện, qua đó nhận thức và trách nhiệm cộng đồng về bảo vệ môi trường từng bước được nâng cao thông qua các hoạt động liên tịch phối hợp hành động bảo vệ môi trường với các tổ chức Mặt trận và Đoàn thể.
   
  Sở thường xuyên phối hợp với các tỉnh lân cận trong việc kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm công nghiệp, kiểm soát ô nhiễm hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai, ứng phó sự cố tràn dầu và trao đổi thông tin, dữ liệu về quan trắc chất lượng nước mặt, không khí giúp cho việc nâng cao năng lực ngăn ngừa dự báo ô nhiễm. Tình hình ô nhiễm công nghiệp đã được kiểm soát và cải thiện từng bước thông qua việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp và vùng phụ cận. Đến nay, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc thành phố và quận, huyện đã triển khai đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế.
   
Chất lượng môi trường của TP.HCM đang có nhiều cải thiện
    
   
  Công tác quản lý chất thải nguy hại đã được triển khai, bước đầu đã tổ chức hệ thống thu gom, xử lý các loại chất thải nguy hại. Đến nay, tỷ lệ thu gom chất thải rắn công nghiệp - chất thải nguy hại phát sinh từ các cơ sở sản xuất, dịch vụ, kinh doanh đạt 100%. Nước thải y tế phát sinh tại các bệnh viện, các trung tâm y tế dự phòng được thu gom 100%; riêng chất thải y tế phát sinh tại các phòng khám nhỏ lẻ thu gom trực tiếp đúng tuyến đạt 85-90%, còn 10-15% thải bỏ chung với chất thải rắn sinh hoạt và được vận chuyển về bãi chôn lấp hợp vệ sinh.
   
  Trong những năm qua, TP.HCM đã phát động và thực hiện thành công công tác xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị. Việc này  đã góp phần  giảm áp lực về vốn đầu tư ban đầu của Nhà nước, đồng thời nhờ có sự cạnh tranh nên công nghệ xử lý được đổi mới, chất lượng xử lý được nâng cao và mức chi từ ngân sách Nhà nước đã giảm hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Năm 2007, Dự án xử lý chất thải sinh hoạt hợp vệ sinh của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) cũng đã được xây dựng, các nhà máy xử lý rác thành phên compost của tư nhân cũng được hình thành và đi vào hoạt động...
   
  TP.HCM đã tiến hành thu phí nước thải công nghiệp, thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường trên địa bàn thành phố. Bước đầu việc thu phí đã bù đắp một phần chi phí mà thành phố đã bỏ ra cho công tác thu gom xử lý rác, đồng thời thông qua quá trình thu phí công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại một số quận như quận 1, quận 10, quận Tân Bình, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh đã từng bước thiết lập cơ chế tổ chức quản lý lực lượng thu gom rác dân lập.
   
  Sở TN&MT đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, thanh tra phát hiện sớm các sai phạm và có những biện pháp xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm về môi trường. Công tác thanh kiểm tra đã được tăng cường qua từng năm, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng đất, hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên nước và việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp.
   
  Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, Sở TN&MT đã tích cực, chủ động tham mưu cho UBND thành phố các hình thức hợp tác với quốc tế trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ, tài trợ cho thành phố (gia nhập tổ chức C40, Dự án hỗ trợ kỹ thuật Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH – lĩnh vực giao thông và năng lượng do ADB tài trợ, tổ chức Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc, Jica,...)
   
  Ông Nguyễn Văn Phước cho biết:  Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục bám sát các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước để tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố chỉ đạo thực hiện công tác quản lý Nhà nước về môi trường theo định hướng phát triển bền vững của TP.HCM. Trong đó, tập trung triển khai Nghị quyết số 24 Trung ương 7 khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” và Nghị quyết của Thành ủy TP.HCM  về Chương trình Giảm ô nhiễm giai đoạn 2011 – 2015...
   
  Đồng thời, Sở TN&MT sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát yêu cầu các khu, cụm công nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, chất thải nguy hại được xử lý triệt để; cơ bản tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý, trong đó chú trọng sử dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng, thu hồi. Đồng thời, tập trung hoàn thành tiêu chí môi trường tại các xã đạt mục tiêu đến năm 2015 hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về TN&MT cho mọi tổ chức và công dân.
   
Nguyễn Thanh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 năm ngành TN&MT TP. Hồ Chí Minh: Quản lý môi trường theo định hướng phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO